Hành vi bạo lực gia đình xử lý như thế nào?
Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng các vấn đề về các mối quan hệ trong gia đình rất khó để giải quyết, đặc biệt là đối với các hành vi bạo lực gia đình, mọi người thường coi đó là điều hiển nhiên dù đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Vậy, Hành vi bạo lực gia đình xử lý như thế nào?
Sau đây, Công ty Luật TNHH ANP sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những quy định pháp lý xoay quanh vấn đề bạo lực gia đình và phương thức xử lý chúng.
1. Căn cứ pháp luật
- Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007;
- Bộ luật Hình sự 2015;
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
2. Khái niệm về bạo lực gia đình
Theo quy định pháp luật hiện hành, bạo lực gia đình là hành vi gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế một cách cố ý của một thành viên gia đình đối với thành viên khác.
Trong đó, thành viên gia đình bao gồm cả những thành viên trong gia đình của các cặp vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm các hành vi sau:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
3. Hành vi bạo lực gia đình bị xử phạt như thế nào?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng, bản chất của hành vi bạo lực gia đình mà hành vi đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ:
- Xử phạt hành chính:
A và B là vợ chồng. A nghiện rượu và thường xuyên đánh đập B trong lúc say. Tuy nhiên, khi đánh B thì A không sử dụng vũ khí.
Theo đó, khi có người phát hiện và báo tới UBND cấp xã, UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. |
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
A và B là vợ chồng. A nghiện rượu và thường xuyên đánh đập B trong lúc say. Do bị đánh quá nhiều lần, B quyết định phản kháng. Thấy vậy, A liền chạy vào trong bếp lấy dao ra chém B. Sau đó, bố mẹ của B tố giác tội phạm và đưa B đi giám định thương tật. Tỉ lệ thương tật là 10%.
Theo đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm a Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;” |
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về Hành vi bạo lực gia đình xử lý như thế nào? Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ tới Hotline: 0912.772.008 để được tư vấn và giải đáp nhanh chóng.
Trân trọng cảm ơn.
---
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 0912 772 008
- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com