Nhà thờ từ đường có được phân chia tài sản hoặc sử dụng, mua bán không?

Câu hỏi: Chào Luật sư. Ngày xưa, năm 1985 bố tôi có dành 1 phần đất của gia đình và còn anh em trong họ bỏ tiền đóng góp để xây nhà thờ họ. Ngày giỗ, lễ tết hàng năm các chú và anh em trong họ đều về làm giỗ, thắp hương. Năm 2013, bố tôi mất thì tôi có được bán phần đất đó không hay phải hỏi ý kiến của mọi người trong gia đình nữa ạ?

Xin cảm ơn!

(Anh Lâm – Thái Nguyên)

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới cho chúng tôi. Với trường hợp của anh, Công ty Luật TNHH ANP xin được trả lời như sau:

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật dân sự 2015;

- Luật Đất đai 2013;

- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Nhà thờ họ là tài sản của ai?

Tại Việt Nam, nhiều dòng, họ xây dựng các nhà thờ họ làm nơi thờ cúng gia tiên, sinh hoạt cộng đồng vào những thời điểm đặc biệt.

Do đó Khoản 1, Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 quy định các tài sản phục vụ mục đích chung cộng đồng như đình, miếu, nhà thờ họ,… là tài sản chung hợp nhất và không thể phân chia. Chúng được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp hoặc từ các nguồn khác hợp pháp. Trong đó, tập quán là những quy tắc xử sự được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Trường hợp quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của cá nhân được đưa vào sử dụng đất làm nhà thờ họ thì cá nhân đó có quyền tặng cho dòng họ để làm nhà thờ họ theo Khoản 1 Điều 167 luật đất đai năm 2013. Các thành viên trong dòng họ sẽ bầu ra người đại diện và việc chuyển nhượng sẽ là chuyển nhượng cho người đại diện đó hoặc cùng nhau đứng tên đồng sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3. Quy định pháp luật về nhà thờ họ là tài sản chung cộng đồng

Nhà thờ họ được xây dựng dựa trên sự đóng góp về nhiều mặt của các thành viên trong gia đình và là tài sản chung cộng đồng. Theo đó, không người nào có quyền tự định đoạt đối với tài sản này dù có thực hiện đóng góp vào việc hình thành tài sản. Các thành viên trong cộng đồng sẽ cùng nhau quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản theo thỏa thuận hoặc theo tập quán theo mục đích sử dụng, lợi ích chung cộng đồng và không trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, họ không được thực hiện một số quyền nhất định theo Điều 181 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:

“Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”

4. Giải đáp thắc mắc

Đối với trường hợp gia đình bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Nhà thờ họ là tài sản chung do mọi người trong dòng họ cùng nhu đóng góp. Việc bố anh dành 1 phần đất để xây dựng nhà thờ được xem là phần tài sản mà bố anh đóng góp để hình thành tài sản chung là nhà thờ họ và không thể tách rời. Mọi người trong dòng họ đều có quyền ở hữu ngang nhau đối với tài sản này. Đồng thời, đây là tài sản không được chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Vì vậy, anh không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần đất dùng để xây nhà thờ kể cả có sự đồng ý của các thành viên trong dòng họ của mình.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng, chính xác nhất.

Công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Phòng 903 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Phòng 1103 Tòa nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

SĐT: 0912 772 008 - 0912 660 002

Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G