Sang tên sổ đỏ khi bố mẹ mất không để lại di chúc

HỎI:

 

Kính chào luật sư,

Tôi là con trai út trong một gia đình 3 anh chị em. Anh chị tôi đều đã có gia đình và lập nghiệp ở địa phương khác, chỉ có tôi vẫn ở cùng bố mẹ. Vài năm trước khi tôi lấy vợ, tôi đã xin phép bố mẹ xây dựng nhà mới trên nền nhà cũ của bố mẹ. Sau một thời gian ba tôi mất do tuổi cao sức yếu, mẹ tôi cũng mất một năm sau đó. Hiện tại Sổ đỏ vẫn đứng tên bố tôi. Tôi muốn sang tên Sổ đỏ nhưng chưa rõ thủ tục cụ thể như nào, kính mong Luật sư tư vấn.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

ĐÁP:

Mặc dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên bố bạn nhưng nếu thửa đất được tạo lập trên cơ sở công sức đóng góp của bố mẹ bạn và hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì quyền sử dụng đất này sẽ là tài sản chung của bố mẹ bạn.

Khi bố mẹ bạn mất không để lại di chúc, phần di sản của bố mẹ sẽ được phân chia theo quy định pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Như vậy, ngoài bạn ra thì anh chị của bạn cũng sẽ được hưởng thừa kế bố mẹ để lại. Để thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bạn (chuyển dịch tài sản từ người chết cho những người thừa kế) phải thực hiện theo thủ tục như sau:

Bước 1: Thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế

Đầu tiên, những người thừa kế phải thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng. Trường hợp bạn muốn đứng tên toàn bộ thửa đất này thì anh chị của bạn phải từ chối nhận di sản thừa kế và nội dung này phải được thể hiện cụ thể trong văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế hoặc phải được lập thành Văn bản từ chối nhận di sản có công chứng, chứng thực. Hồ sơ yêu cầu công chứng bao gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của người để lại di sản;

- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế;

- Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng.

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản. Trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại UBND cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại UBND cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì các bên tiến hành ký kết văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và tổ chức công chứng công chứng văn bản theo Điều 57 Luật Công chứng 2014.

Bước 2: Thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Người thừa kế cần đến Văn phòng Đăng ký đất đai nơi có đất tiến hành làm thủ tục đăng ký biến động đất đai để sang tên Giấy chứng nhận. Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT), hồ sơ đăng ký biến động bao gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

- Văn bản về thừa kế: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu thì thực hiện các công việc sau đây:

- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp;

- Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

- Trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

Thời hạn giải quyết: Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời hạn xử lý hồ sơ không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH ANP về vấn đề sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bố/mẹ mất không để lại di chúc. Nếu có nhu cầu tư vấn pháp luật về thừa kế, Quý khách có thể liên hệ đến Công ty Luật TNHH ANP

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G