Các cháu có được phân chia thừa kế không?

Hỏi: Ông mất năm 2018, bà mới mất năm 2020, đều không để lại di chúc cho con cháu. Di sản của ông bà gồm có một suất đất thổ cư diện tích 50m2 và nhà 04 tầng trên đất. Ông bà có 03 người con trong đó duy nhất bố tôi là con trai, các cô đã đi lấy chồng và không còn sinh sống ở địa phương. Vậy cho tôi hỏi tôi có được hưởng di sản thừa kế của ông bà không? Nếu có thì cách thức để phân chia di sản là đất ở sẽ thực hiện như thế nào?


Đáp: Dựa trên các thông tin, dữ liệu bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH ANP xin được tư vấn như sau:

1. Các cháu có được phân chia thừa kế hay không?

Trong trường hợp này, ông bà nội của bạn mất không để lại di chúc, căn cứ theo Điều 650, Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, di sản của ông bà sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể là chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, những người thừa kế di sản mà ông bà nội bạn để lại là: các cụ (nếu còn sống) và 03 người con. Các cháu sẽ không được hưởng di sản này.

2. Di sản thừa kế là đất ở thì phân chia như thế nào?

Vì quyền sử dụng đất và nhà ở là loại tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, việc phân chia di sản là nhà đất phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

► Bước 1: Thực hiện khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng

Căn cứ: Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 57 Luật Công chứng 2014

Những người thừa kế thực hiện thủ tục khai nhận có thể tự soạn thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc yêu cầu tổ chức, cơ quan công chứng. Thủ tục được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng.

Hồ sơ bao gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người khai nhận di sản thừa kế;

- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;

- Giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu,… của người khai nhận di sản thừa kế;

- Giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất.

- Sơ thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế (Nếu có).

Sau khi công chứng viên tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, thụ lý và ghi vào sổ công chứng, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai việc khai nhận di sản thừa kế tại trụ sở UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản trong vòng 15 ngày. Kết thúc thời hạn niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng tiến hành công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

► Bước 2: Thực hiện thủ tục sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Căn cứ: Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT; Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

Người thừa kế nộp hồ sơ đăng ký biến động tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng tài nguyên và môi trường UBND cấp huyện nơi có đất tiến hành làm thủ tục.

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

- Văn bản về việc thừa kế, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng thông báo cho các bên chuyển nhượng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trường hợp nhận thừa kế bất động sản từ vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi; cha chồng, mẹ chồng; cha vợ, mẹ vợ; ông bà nội, ông bà ngoại; anh chị em ruột thì được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có), người thực hiện thủ tục nhận kết quả tại nơi đã nộp hồ sơ.

Trên đây là thông tin tư vấn của Luật sư về trường hợp các cháu phân chia di sản thừa kế hay không và cách thức thực hiện như thế nào, mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ luật sư của công ty chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.

---

Công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Phòng 903 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Phòng 1103 Tòa nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

SĐT: 0912 772 008 - 0912 660 002

Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

---

Có thể bạn quan tâm:

=> Cháu ngoại có được hưởng di sản thừa kế do ông bà để lại hay không?

=> Thừa kế thế vị là gì? Điều kiện, thủ tục hồ sơ thừa kế thế vị mới nhất

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G