Quy định về việc tiến hành đối thoại lại (Vụ án hành chính được thụ lý trước ngày 01/7/2016, nhưng sau ngày 01/7/2016 mới đưa vụ án ra xét xử)
Hỏi: Vụ án hành chính được thụ lý trước ngày 01/7/2016, nhưng sau ngày 01/7/2016 mới đưa vụ án ra xét xử, nếu người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện (là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức) không phải là cấp phó thì có phải thực hiện lại việc ủy quyền không? Tòa án có phải tiến hành đối thoại lại không?
Trả lời:
(1). Các khoản 1 và 2 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC (sau đây viết gọn là Nghị quyết số 104/2015/QH13) quy định: Kể từ ngày Luật TTHC có hiệu lực thi hành (01/7/2016): Đối với những vụ án hành chính đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/7/2016, nhưng kể từ 01/7/2016 mới xét xử theo thủ tục sơ thẩm, những vụ án hành chính đã được Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm trước 01/7/2016 mà có kháng cáo, kháng nghị, nhưng kể từ 01/7/2016 mới xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết.
- Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC (sau đây viết gọn là Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP) quy định: Kể từ ngày Luật TTHC có hiệu lực thi hành (01-7-2016), Tòa án áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hành chính, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 371 Luật TTHC thì được áp dụng từ ngày 01-01-2017.
- Tham khảo Công văn số 18/UBTVQH14-TP ngày 31/8/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Điều 60 Luật TTHC có kết luận như sau:
“Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016 là ngày Luật TTHC có hiệu lực, thì việc cử người đại diện trong tố tụng hành chính trước Tòa án nhân dân phải theo đúng quy định tại Điều 60 của Luật này”.
- Từ các quy định trên, vụ án hành chính được thụ lý trước ngày 01/7/2016, nhưng sau ngày 01/7/2016 mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) hoặc mới mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì phải áp dụng quy định về người đại diện theo ủy quyền tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC 2015. Người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chấm dứt ủy quyền trong tố tụng hành chính với người được ủy quyền trước đó và có văn bản ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
(Tham khảo thêm nội dung tiểu mục 8 Mục I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TAND tối cao Giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự).
(2). Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực hiện lại việc ủy quyền để ủy quyền cho cấp phó của mình theo khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 thì pháp luật không bắt buộc Tòa án phải thực hiện lại thủ tục đối thoại. Các hành vi tố tụng do người đại diện trước đó thực hiện phù hợp với phạm vi đại diện và đúng quy định của pháp luật vẫn phát sinh hiệu lực với người được đại diện và có giá trị để tiếp tục giải quyết vụ án hành chính.
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234