Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tính như thế nào?
Hỏi: Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tính đến thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại lần đầu tiên hay bất kỳ lần nào khác?
Trả lời:
- Khoản 2 Điều 129 Luật tố tụng hành chính quy định:
“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập đến thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.”
Luật Tố tụng hành chính không quy định cụ thể về việc phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại chỉ được tổ chức một lần hay nhiều lần.
- Khoản 1 Điều 9 Luật tố tụng hành chính quy định:
“Các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.
- Khoản 4 Điều 83 Luật tố tụng hành chính quy định:
“Thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm quy định tại Điều 130 Điều này.”
- Trường hợp Tòa án đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại nhưng sau đó (trong thời hạn chuẩn bị xét xử) đương sự mới cung cấp được chứng cứ mới cho Tòa án thì Tòa án có thể tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại (trước khi đưa vụ án ra xét xử). Vì vậy, quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tính đến thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai và đối thoại trong thời hạn chuẩn bị xét xử.
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234