Tài sản thừa kế từ bố mẹ có được coi là tài sản riêng? Có cần phải làm thủ tục nhận di sản thừa kế ngay thời điểm đó không?

 

 Nội dung câu hỏi: Thưa luật sư, bố mẹ tôi có 1 miếng đất và ngôi nhà trên đất, bố mẹ tôi muốn thừa kế cho tôi, vậy tôi xin hỏi: Sau khi nhận thừa kế thì nhà và đất ấy có phải là tài sản riêng của tôi không? (tôi đã có vợ và 2 con). Trên sổ đỏ có ghi cụ thể là tài sản riêng không? hoặc ghi là tài sản thừa kế không? Sau khi nhận thừa kế tôi vẫn chưa muốn sang tên, khi nào bố mẹ mết mất tôi mới sang tên tôi liệu có được không hay phải sang tên luôn? Khi đã thừa kế cho tôi rồi, nếu bố mẹ tôi muốn bán miếng đất và nhà ấy thì có cần chữ ký của tôi không? (vì tôi đi làm xa, không ở quê cùng bố mẹ). Trong thời gian bố mẹ tôi còn sống và tôi vẫn chưa sang tên sổ đỏ tên tôi thì bố mẹ tôi có thể thay đổi người thừa kế được không? và nếu thay đổi người thừa kế thì có cần tôi ký vào biên bản công chứng không? Nếu nhỡ rủi ro đến với tôi (mất chẳng hạn) thì vợ tôi có thể bán được nhà và đất ấy không (trường hợp chưa sang tên và trường hợp đã sang tên sổ đỏ tên tôi)? Tôi cảm ơn nhiều ạ.

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn đến Công ty Luật TNHH ANP, với trường hợp anh đang vướng mắc, chúng tôi được phản hồi như sau:

Thứ nhất, Căn cứ Điều 43 Luật hôn nhân gia đình 2014, tài sản được thừa kế riêng là tài sản riêng. Vì vậy, nếu bố mẹ anh để lại di chúc định đoạt nhà đất nêu trên cho riêng anh thì đây sẽ được coi là tài sản riêng.

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Thứ hai, Sổ đỏ không có ghi nhận cụ thể đây là tài sản riêng. Tuy nhiên khi anh đã hoàn tất thủ tục kê khai di sản thừa kế và sang tên Sổ đỏ thì có thể căn cứ vào nội dung di chúc và mục người sử dụng đất trên sổ đỏ để chứng minh đây là tài sản riêng của anh có nguồn gốc từ việc nhận thừa kế.

Thứ ba, Việc nhận thừa kế chỉ được thực hiện khi di chúc hợp pháp và người để lại di sản chết. Tức là anh chỉ chính thức được nhận di sản, đứng tên thửa đất khi bố mẹ anh mất và di chúc 2 người để lại phát sinh hiệu lực pháp lý.

Nếu bố mẹ anh muốn chuyển nhà đất cho anh khi vẫn còn sống thì phải thực hiện theo hình thức hợp đồng tặng cho thay vì để lại di chúc để phân chia thừa kế.

Tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền thừa kế như sau:

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”

=> Thủ tục nhận di sản thừa kế xem tại đây

Thứ tư, Như đã phân tích ở trên, khi bố mẹ anh còn sống thì nhà đất nêu trên vẫn là của 2 người. 2 người vẫn là chủ sử dụng đất hợp pháp và có toàn quyền định đoạt thửa đất mà không cần sự chấp thuận của anh.

Thứ 5, Căn cứ Điều 640 Bộ luật dân sự 2015, người lập di chúc có quyền sửa đổi, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập bất cứ lúc nào. Bố mẹ anh có quyền thay đổi người thừa kế tùy ý và không cần có sự đồng ý của anh.

Điều 640. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”

Thứ 6, Vấn đề khai nhận di sản thừa kế từ anh sau khi anh mất.

- Trường hợp nhà đất đã sang tên cho anh: Khi anh mất có thể phát sinh 2 khả năng:

+ Anh mất và có để lại di chúc: Nhà đất nói trên sẽ được phân chia theo nội dung di chúc của anh.

+ Anh mất không để lại di chúc: Nhà đất sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: Bố mẹ anh, vợ và các con anh.

Việc định đoạt tài sản trên yêu cầu phải được sự thống nhất ý chí của tất cả những người thừa kế.

- Trường hợp nhà đất chưa sang tên cho anh: Bố mẹ anh vẫn là chủ sử dụng đất, vợ anh không có quyền định đoạt đối với thửa đất nói trên.

Trường hợp anh chưa rõ, anh có thể tìm hiểu các quy định hoặc liên hệ trực tiếp đến Luật sư 0912.772.008 sẽ tư vấn cho anh chi tiết hơn nhé.

Công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Phòng 903 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Phòng 1103 Tòa nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

SĐT: 0912 772 008 - 0912 660 002

Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G