Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con
Hỏi: Bà M khi sinh ra mang họ mẹ là Nguyễn Thị M. Sau khi cha của bà M là cụ Lê Văn N mất thì bà Nguyễn Thị M làm đơn yêu cầu xác định cụ Lê Văn N là cha của bà M. Vậy, yêu cầu này có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không?
Việc xác định cha cho con khi cha mẹ không có hôn nhân là một vấn đề quan trọng, làm căn cứ để xác định mối quan hệ huyết thống và pháp lý cha con, là căn cứ bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản cho con.
1. Ai có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con?
Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con bao gồm:
- Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
+ Cha, mẹ, con, người giám hộ;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha mẹ cho con trong trường hợp có tranh chấp xảy ra?
Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
"Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".
3. Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con
Về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con được Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau:
“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
[…]4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ”.
“Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
[…]10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con được Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại Khoản 2, Điều 101 như sau:
“Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này”.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì yêu cầu Tòa án xác nhận cha cho con của bà M thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
-> Tư vấn thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn
-> Có được giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn?
---0---
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234