Có được giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn ?

Tranh chấp về các vấn đề nuôi con sau ly hôn là một trong những tranh chấp phổ biến. Vậy, có được giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn? Vợ hoặc chồng có được giành lại quyền nuôi con sau khi cả 2 đã ly hôn hay không, sau đây là những chia sẻ về kiến thức về luật Hôn nhân gia đình cũng như phạm vi giành quyền nuôi con sau ly hôn của Luật sư tư vấn tại công ty Luật TNHH ANP:

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Thẩm quyền giải quyết giành quyền nuôi con sau khi ly hôn

Giành quyền nuôi con sau khi ly hôn có thể hiểu là việc cha, mẹ - người không trực tiếp nuôi đứa trẻ có mong muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Khi có tranh chấp về yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con thì đây là tranh chấp về nuôi con.

Theo Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì việc giải quyết tranh chấp về nuôi con thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Theo đó, người có yêu cầu thay đổi quyền nuôi con có thể nộp đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con cùng tài liệu, chứng cứ trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người đang trực tiếp nuôi con hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.

3. Các phương thức thực hiện thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn có thể thực hiện theo 02 cách sau:

 - Thứ nhất, các bên tự thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con:

Theo nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận các bên; cha, mẹ có quyền thỏa thuận với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và phù hợp với lợi ích của con.

Khi đó, cha, mẹ có quyền yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, kèm theo đơn là “Văn bản thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” để chứng minh cho thỏa thuận của các bên.

Sau khi xem xét hồ sơ và kiểm tra về điều kiện nuôi dưỡng của cha và mẹ, nếu xét thấy việc thỏa thuận này hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với lợi ích của con thì Tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

 - Thứ hai, khởi kiện giành quyền nuôi con sau ly hôn:

Để có thể thực hiện giành quyền nuôi sau ly hôn, người khởi kiện phải có căn cứ chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bao gồm:

* Điều kiện về kinh tế: Cha hoặc mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng con phải có điều kiện kinh tế ổn định, đáp ứng đầy đủ về nhu cầu vật chất và điều kiện sống tối thiểu cho con và chính bản thân họ.

* Điều kiện về tinh thần: Người muốn giành được quyền nuôi con phải là người có đầy đủ hành vi dân sự theo quy định, có thời gian trông nom, giáo dục con cái, chăm sóc, yêu thương con, tạo một tinh thần thoải mái cho con.

Thông thường, trên thực tế, việc không đáp ứng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con thường diễn ra dưới những hoàn cảnh như:

  + Người được trực tiếp nuôi con nhưng không trực tiếp chăm sóc con mà để con cho ông, bà hoặc người thân khác nuôi dưỡng.

  + Người đang trực tiếp nuôi dưỡng người con nhưng có hành vi bạo hành, đánh đập, gây thương tích cho con hoặc có hành vi xâm hại tình dục, dâm ô với con.

  + Người đang trực tiếp nuôi dưỡng con ép buộc con phải thực hiện các hành vi trái pháp luật như trộm cắp, lừa đảo, giết người, hoặc để con phải sống trong môi trường tiếp xúc nhiều với các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc… có thể ảnh hưởng xấu đến việc hình thành và phát triển nhân cách, sự phát triển bình thường của trẻ.

  + Người đang trực tiếp nuôi dưỡng con ngăn cản, cấm đoán không cho con được đi học, đến trường, đốt hết quần áo, sách vở của con, hành hạ con….

Bên cạnh đó, trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

Vì vậy, ngoài việc đưa ra những bằng chứng chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con thì người khởi kiện giành quyền nuôi con cũng phải chứng minh được bản thân có thể đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên để đảm bảo lợi ích và sự phát triển tốt nhất cho trẻ.

Ngoài ra, đối với con từ đủ 7 tuổi trở lên, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con để ra quyết định có thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề có được giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn? Mọi thắc mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ qua số: 0912 772 008 để được luật sư tư vấn miễn phí và nhanh chóng, chính xác nhất.

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 0912 772 008 

- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

==> Tư vấn thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G