Tranh chấp vụ án dân sự là gì? Phương thức giải quyết vụ án dân sự ?
1. Tranh chấp dân sự là gì?
Tranh chấp dân sự được hiểu là tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự, bao gồm các quan hệ về nhân thân, tài sản được pháp luật bảo vệ.
Một số tranh chấp dân sự phổ biến như: tranh chấp hợp đồng dân sự, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp về ly hôn,…
2. Phương thức giải quyết vụ án dân sự
Phương thức giải quyết các vụ án dân sự được đặt ra nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh khi xảy ra các tranh chấp dân sự. Việc lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp giúp các chủ thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, ít tốn kém về thời gian, tiền bạc cũng như đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hiện nay, phương thức giải quyết tranh chấp dân sự gồm: thương lượng, hòa giải, thỏa thuận trọng tài, khởi kiện.
* Thương lượng, hòa giải
Thương lượng là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp thể hiện qua việc các bên chủ động gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận về quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của mỗi bên.
Hòa giải là phương thức “nâng cấp” của thương lượng với sự có mặt của bên thứ ba. Khi tiến hành hòa giải các bên được thỏa thuận lựa chọn ra một bên trung gian, độc lập, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết tranh chấp, đưa ra các lời khuyên về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
Tuy nhiên, việc thương lượng là không bắt buộc mà phụ thuộc vào thiện chí tự giải quyết của các bên do đó không bị bó buộc bởi các quy định về quy trình tổ chức thương lượng, thành phần tham gia, thời gian và không tốn tiền bạc.
Cũng chính vì vậy mà không có bất kì chế tài nào quy định về việc thực hiện kết quả thương lượng. Do đó, tại Việt Nam, chỉ một số lượng nhỏ người dân lựa chọn phương thức này để thực hiện giải quyết tranh chấp.
* Thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài được sử dụng phổ biến trong giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại. Khi đó, tùy từng vụ việc cụ thể mà Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là một bên trung gian, độc lập nhằm giải quyết các mẫu thuẫn, tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên.
Ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này là có tính linh hoạt, tạo quyền chủ động cho các bên, tính nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian có thể rút ngắn thủ tục tố tụng trọng tài và đảm bảo bí mật do trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc án, quyết định trọng tài không được công bố công khai rộng rãi giúp các bên có thể giữ được bí mật kinh doanh cũng như danh dự, uy tín của mình. Bên cạnh đó, phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm và có tính bắt buộc thi hành với các bên. Khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành nhưng có một trong các bên không thực hiện, bên còn lại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành phán quyết của trọng tài.
Nhược điểm khi giải quyết bằng phương thức trọng tài là chi phí tương đối caovà việc thi hành phán quyết của trọng tài không phải lúc nào cũng thuận lợi, trôi chảy.
* Khởi kiện tại Tòa án
Khi các phương thức thương lượng, hòa giải không đem lại kết quả, các chủ thể mới lựa chọn phương thức khởi kiện lên Tòa án để giải quyết.
Đây là phương thức có sự tham gia giải quyết của đại diện quyền lực nhà nước là Tòa án nhân dân. Vì vậy quy trình giải quyết tranh chấp phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng. Đồng thời, bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan thi hành án của nhà nước.
Mọi thắc mắc và thông tin chi tiết vui lòng liên hệ trực tiếp qua Hotline: 0912.772.008 của công ty Luật TNHH ANP để được tư vấn và giải đáp thắc mắc. Trân trọng cảm ơn!
---
CÔNG TY LUẬT TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 0912 772 008
- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com