Vi phạm pháp luật dân sự là gì? Các vụ án dân sự thường xuyên mắc phải

VI PHẠM PHÁP LUẬT DÂN SỰ LÀ GÌ?

Vi phạm pháp luật dân sự được hiểu là sự xâm phạm đến các mối quan hệ mà pháp luật dân sự bảo vệ, gồm: quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản, quan hệ pháp luật dân sự khác như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp,.... bằng việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ pháp luật dân sự. Sự vi phạm này dẫn tới thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Do đó, khi các chủ thể vi phạm pháp luật dân sự sẽ phải chịu chế tài xử lý phù hợp như: bồi thường thiệt hại, xin lỗi công khai,… nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại.

CÁC TRƯỜNG HỢP VỤ ÁN DÂN SỰ THƯỜNG GẶP

1. Tranh chấp về hợp đồng

Phần lớn các mối quan hệ dân sự hình thành dựa trên mối quan hệ về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự mà theo đó, các bên tham gia hợp đồng sẽ có quyền và nghĩa vụ tương ứng. Khi một trong các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ của mình sẽ gây ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên.

Tranh chấp hợp đồng có những đặc điểm sau:

- Có hợp đồng giữa các bên. Hợp đồng được giao kết theo 03 hình thức: lời nói, hành vi hoặc văn bản;

- Khi tranh chấp phát sinh, sự thỏa thuận giữa các bên không còn tồn tại và thống nhất;

- Chủ thể tranh chấp là chủ thể của hợp đồng được giao kết;

- Tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích giữa các bên tranh chấp;

- Có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc một trong các bên cho rằng bên kia vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Khác với loại tranh chấp đầu tiên, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có chủ thể có lỗi gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.

Việc bồi thường phải tuân thủ những nguyên tăc sau:

- Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

3. Tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. Tranh chấp đất đai có 02 dạng chính là: tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp có liên quan tới quyền sử dụng đất.

Nhìn chung, tranh chấp đất đai có một số đặc điểm như sau:

- Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp;

- Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai;

- Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà Nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.

Mọi thắc mắc và thông tin chi tiết vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp thắc mắc. Trân trọng cảm ơn!

Thông tin liên hệ công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Phòng 903 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Phòng 1103 Tòa nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

SĐT: 0912 772 008 - 0912 660 002

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G