Các quy định về phiên tòa hình sự sơ thẩm
1.Hiểu và thực hiện quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà
- VBQPPL:
• Điều 254, 258, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294, 423 và Chương XX BLTTHS
• Nghị quyết số 33/2021/QH15
• Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP (khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 10)
- Cần hiểu và thực hiện đúng các quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà quy định tại Chương XX BLTTHS. Đặc biệt, cần chú ý các vấn đề sau đây:
• Thành phần HĐXX sơ thẩm quy định tại Điều 254 và Điều 423 BLTTHS. Đối với vụ án mà các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì HĐXX bắt buộc gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Lưu ý là, có bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình, chứ không phải trong điều luật đó có quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Ví dụ: nếu bị cáo bị truy tố theo khoản 2 Điều 123 BLHS thì thành phần HĐXX sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.
• Sự có mặt của thành viên HĐXX và Thư ký Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 288 BLTTHS. Phiên toà chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên HĐXX và Thư ký Tòa án. Các thành viên của HĐXX phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi Chủ tọa phiên toà mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên toà.
Trường hợp Thư ký Tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa. Trường hợp phải thay đổi Thư ký Toà án tại phiên toà thì HĐXX ra quyết định tạm ngừng phiên toà. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 251 BLTTHS.
• Sự có mặt của bị cáo, của Kiểm sát viên và của những người tham gia tố tụng khác quy định tại các điều 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 BLTTHS, khi có người vắng mặt, thì quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.
• Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức (Điều 21 BLHS) hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Đối với trường hợp có căn cứ cho rằng bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 BLHS thì HĐXX hoãn phiên tòa; Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần và giải quyết theo Điều 451 BLTTHS.
• Nếu bị cáo trốn thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu CQĐT truy nã bị cáo. Thẩm phán báo cáo đề nghị Chánh án, Phó Chánh án ra quyết định bắt tạm giam bị cáo chuyển CQĐT làm căn cứ truy nã.
• Việc giám sát bị cáo tại phiên toà quy định tại Điều 256 BLTTHS. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với người khác phải được Chủ tọa phiên tòa cho phép.
• Giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 298 BLTTHS:
Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong cáo trạng VKS có thể mô tả, đưa ra nhiều hành vi phạm tội của bị can, nhưng VKS kết luận truy tố những hành vi nào, theo tội danh nào thì Tòa án chỉ xét xử những hành vi đó, theo tội danh đó (Ví dụ: VKS mô tả bị can trộm cắp mười lần, nhưng kết luận chỉ đủ chứng cứ truy tố hai lần về tội trộm cắp, thì Tòa án chỉ xét xử hành vi trong hai lần đó theo tội trộm cắp). Nếu xét thấy điều tra chưa đầy đủ, có thể bỏ lọt người phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Toà án có thể xét xử:
Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố;
Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
• Trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của BLHS mà VKS truy tố và tội danh, điều, khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử.
• Nếu xét thấy có thể xét xử bị cáo theo một trong các trường hợp trên đây, cần tuân thủ quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần HĐXX và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.
• Cần thực hiện đầy đủ những yêu cầu đối với biên bản phiên toà quy định tại Điều 258 BLTTHS.
2. Thủ tục bắt đầu phiên toà
- VBQPPL:
• Điều 49, 52, 53, 54, 68, 69, 70, 299, 301, 302, 303, 304 và 467 BLTTHS
• Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP
• Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP
• Nghị quyết số 33/2021/QH15
• Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP (Điều 13, Điều 14)
- Trước khi bắt đầu phiên toà, yêu cầu Thư ký Toà án phổ biến nội quy phiên toà, những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên toà quy định tại Điều 467 BLTTHS; kiểm tra những người được triệu tập tham gia phiên toà và nếu có người vắng mặt cần làm rõ lý do để báo cáo với HĐXX.
- Sau khi HĐXX vào phòng xử án, Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử cần yêu cầu mọi người đứng dậy như khi tuyên án.
- Sau khi đọc xong quyết định đưa vụ án ra xét xử, Chủ tọa phiên tòa đề nghị Thư ký Toà án báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt; nếu có người vắng mặt đề nghị báo cáo lý do vắng mặt.
- Kiểm tra lý lịch của những người được triệu tập đến phiên toà đã có mặt theo quy định tại Điều 301 BLTTHS.
- Phổ biến cho những người được triệu tập đến phiên toà biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của BLTTHS;
- Khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, Chủ tọa phiên tòa phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP.
- Hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có đề nghị thay đổi ai trong số những người tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật hay không. Khi có người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật thì căn cứ vào điều luật tương ứng quy định tại các điều 49, 52, 53, 54, 68, 69, 70 và 302 BLTTHS để xem xét và quyết định.
- Quyết định về việc thay đổi người tiến hành tố tụng (thành viên của HĐXX, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án), người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS.
- Giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên toà khi có người vắng mặt.
- Cần phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem ai có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không; nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lý do sức khỏe không thể tham gia tố tụng thì hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên toà hay không theo quy định tại Điều 305 BLTTHS. Tuỳ thuộc vào yêu cầu cụ thể mà căn cứ vào điều luật tương ứng của BLTTHS để xem xét và quyết định. Căn cứ vào quy định tại Điều 299 BLTTHS thì việc quyết định về các vấn đề này (trừ việc hoãn phiên tòa) được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên toà.
- Xem xét để quyết định có cần thiết việc áp dụng những biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan; quyết định việc cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 304 BLTTHS.
- Xem xét có căn cứ tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với bị cáo nào hay không. Quyết định về việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải làm đúng theo mẫu số 37-HS hoặc mẫu số 40-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP.
3. Trình tự xét hỏi tại phiên toà
- VBQPPL:
• Điều 306, 307, 308, 309, 310, 311, 312, 313, 314, 315, 316, 317 và Điều 318 BLTTHS
• Nghị quyết số 33/2021/QH15
• Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP (Điều 13, Điều 14)
- Trước khi xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có) theo quy định tại Điều 306 BLTTHS.
- Tiến hành việc xét hỏi:
• Căn cứ vào kế hoạch xét hỏi đã được chuẩn bị, tiến hành việc xét hỏi theo trình tự quy định tại Điều 307 BLTTHS;
• Khi xét hỏi, HĐXX xem xét những vật chứng có liên quan trong vụ án;
• Chỉ công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 308 BLTTHS;
• Việc hỏi bị cáo; bị hại, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ; người làm chứng; người giám định, người định giá tài sản cần phải thực hiện theo đúng quy định tương ứng tại các điều 309, 310, 311 và 316 BLTTHS.
• Xem xét vật chứng hoặc xem xét tại chỗ, nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh chỉ áp dụng trong trường hợp xét thấy cần thiết và phải thực hiện đúng theo quy định tại các điều 312, 313 và 314 BLTTHS.
• Trình bày, công bố các báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức cần thực hiện đúng quy định tại Điều 315 BLTTHS.
- Khi xét hỏi cần phải hỏi cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu. Không được đặt các câu hỏi có tính chất khẳng định (Ví dụ: Anh tên là Nguyễn Văn A phải không?), mớm cung, bức cung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người được hỏi.
- Cần phải dự kiến các tình huống xảy ra khi hỏi từng đối tượng cụ thể và có biện pháp xử lý thích hợp.
- Kết thúc việc xét hỏi quy định tại Điều 318 BLTTHS
• Kiểm tra các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ hay chưa. Cần hỏi xem bị cáo và các người tham gia tố tụng có muốn trình bày gì thêm ngoài những điều đã trả lời không;
• Phải quyết định có thực hiện hay không thực hiện đề nghị của người tham gia tố tụng tại phiên tòa về việc hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi có người yêu cầu thì xem xét yêu cầu đó. Nếu xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và việc xét hỏi theo yêu cầu đó là cần thiết, thì Chủ tọa phiên toà quyết định tiếp tục việc xét hỏi. Nếu không có yêu cầu xét hỏi thì kết thúc việc xét hỏi.
4. Tranh luận tại phiên toà
- VBQPPL: Điều 155, 299, 320, 321, 322, 323, 324 và Điều 325 BLTTHS
- Căn cứ vào Điều 320 BLTTHS để xác định trình tự phát biểu khi tranh luận, Chủ tọa phiên toà có quyền yêu cầu người trình bày khi tranh luận phải trình bày đúng những vấn đề liên quan đến vụ án và theo quy định tại Điều 320 BLTTHS. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội theo trình tự quy định tại Điều 320 BLTTHS.
- Bảo đảm việc tranh luận tại phiên tòa theo đúng quy định tại Điều 322 BLTTHS.
- Phải ghi chép các ý kiến trình bày khi tranh luận để xem xét có cần trở lại việc xét hỏi hay không và để sử dụng khi nghị án, khi viết bản án.
- Qua tranh luận thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì HĐXX phải quyết định trở lại việc xét hỏi theo quy định tại Điều 323 BLTTHS. Theo quy định tại Điều 299 BLTTHS thì quyết định việc trở lại xét hỏi được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên toà. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
- Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, Chủ tọa phiên toà tuyên bố kết thúc tranh luận và cho bị cáo nói lời sau cùng theo quy định tại Điều 324 BLTTHS. Cần phải ghi chép lời nói sau cùng của bị cáo. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, thì HĐXX quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
- Trong quá trình tranh luận tại phiên toà, nếu Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung; nếu Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, HĐXX yêu cầu những người tham gia tố tụng tại phiên toà trình bày ý kiến về việc rút truy tố đó theo quy định tại Điều 325 BLTTHS.
5. Nghị án và tuyên án
- VBQPPL:
• Điều 260, 264, 326, 327, 328 và 329 BLTTHS
• Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP
• Nghị quyết số 33/2021/QH15
• Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP (Điều 13)
- Việc nghị án phải thực hiện đúng quy định tại Điều 326 BLTTHS.
- Biên bản nghị án phải làm đúng theo mẫu số 25-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP.
- Qua việc nghị án nếu thấy có tình tiết của vụ án chưa được xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ, thì HĐXX quyết định trở lại việc xét hỏi và tranh luận.
- Ra bản án: Bản án phải được làm đúng theo quy định tại Điều 260 BLTTHS và mẫu số 27-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP. Khi xét thấy cần thiết thì cùng với việc ra bản án, Toà án ra kiến nghị sửa chữa những thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý theo quy định tại Điều 264 BLTTHS.
- Đối với phiên tòa xét xử trực tuyến thì trong phần mở đầu của bản án, quyết định của Tòa án phải ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án, VKS hoặc cán bộ tại điểm cầu thành phần.
- Tuyên án: Việc tuyên án cần thực hiện đúng quy định tại Điều 327 BLTTHS. Sau khi tuyên án xong, cần xem xét có phải giải thích gì thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo không.
- Xem xét việc trả tự do cho bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án theo đúng quy định tại Điều 328 và Điều 329 BLTTHS. Quyết định tạm giam bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án phải làm đúng theo mẫu số 07-HS, 08-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP. Cần chú ý trường hợp bị cáo bị phạt tử hình thì phải quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.
6. Thực hiện các công việc sau khi kết thúc phiên toà
- VBQPPL: Điều 262 BLTTHS
- Kiểm tra biên bản phiên toà và ký vào biên bản đó.
- Kiểm tra, soát xét lại bản án gốc để in các bản án chính và ký; chuyển bản án cho bộ phận chức năng để giao, gửi, niêm yết theo quy định tại Điều 262 BLTTHS.
- Cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ.
- Sắp xếp lại hồ sơ vụ án để giao cho bộ phận chức năng quản lý hồ sơ vụ án.
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234