Các quy định về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

XÉT XỬ PHÚC THẨM

1.Xem xét tính hợp pháp của kháng cáo, kháng nghị

- VBQPPL:

• Điều 330, 331, 332, 333, 335, 336, 337, và 342 BLTTHS

• Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP

- Xác định chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn kháng cáo của mỗi loại chủ thể đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Để xác định đúng cần căn cứ vào Điều 331 BLTTHS và tham khảo hướng dẫn tại mục 1 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP. Cần chú ý quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại.

- Xác định quyền kháng nghị của VKS theo quy định tại Điều 336 BLTTHS. Về nguyên tắc chung VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, cần phân biệt kháng nghị đối với quyết định nào của Toà án cấp sơ thẩm mới được xem xét ở Toà án cấp phúc thẩm (tham khảo hướng dẫn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP).

- Kiểm tra thủ tục kháng cáo đã hợp lệ hay chưa.

- Việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo chủ yếu được thực hiện tại Toà án cấp sơ thẩm. Cần kiểm tra việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Toà án cấp sơ thẩm đã đúng và đầy đủ hay chưa để có quyết định tương ứng phù hợp.

- Khi Toà án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) thì phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành các công việc theo thủ tục chung.

- Kiểm tra kháng cáo, kháng nghị có trong thời hạn quy định tại Điều 333 và Điều 337 BLTTHS hay không. Để kết luận đúng, cần phải xác định đúng thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị và ngày kháng cáo.

- Xem xét kháng cáo quá hạn.

• Khi có kháng cáo quá hạn, thì Toà án cấp phúc thẩm phải thành lập HĐXX gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Việc xét kháng cáo quá hạn phải được thực hiện trước khi mở phiên toà;

• Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định. Ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, bị tai nạn phải nằm viện điều trị;

• Để xét kháng cáo quá hạn phải thực hiện đúng quy định tại Điều 335 BLTTHS;

• Quyết định về việc giải quyết kháng cáo quá hạn phải làm đúng theo mẫu số 47-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP.

- Kiểm tra Toà án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ việc thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị hay chưa. Để kết luận đúng phải căn cứ vào Điều 338 BLTTHS.

- Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị phải làm đúng theo mẫu số 48-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP.

- Xử lý việc bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị, việc rút kháng cáo, kháng nghị và để xử lý đúng việc rút kháng cáo, kháng nghị phải căn cứ vào Điều 342 BLTTHS.

- Thông báo việc rút kháng cáo, kháng nghị phải làm đúng theo mẫu số 49-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP.

2. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm

2.1. Xác định phạm vi xét xử phúc thẩm

- VBQPPL: Điều 345 BLTTHS

- Về nguyên tắc chung, Toà án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy cần thiết thì Toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 345 BLTTHS. Trong trường hợp này cần triệu tập những người tham gia tố tụng có liên quan đến phần không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án.

2.2. Xác định thời hạn chuẩn bị xét xử

- VBQPPL: Điều 346, 347 BLTTHS

- TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày theo quy định tại Điều 346 BLTTHS.

- TAND cấp cao, TAQS trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án (Điều 346 BLTTHS).

- Lưu ý: Đối với Toà án cấp phúc thẩm, không được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới. Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì HĐXX ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa theo quy định tại Điều 347 BLTTHS.

2.3. Xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn

- VBQPPL: Điều 347 BLTTHS

- Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, phải xem xét có căn cứ áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn hay không. Để quyết định đúng cần căn cứ vào quy định tại Điều 347 BLTTHS.

2.4. Gửi hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp với Toà án cấp phúc thẩm

- VBQPPL: Điều 341 BLTTHS

- Việc gửi hồ sơ cho VKS cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm phải được thực hiện theo quy định tại Điều 341 BLTTHS.

2.5. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm

- VBQPPL: khoản 2 Điều 254 BLTTHS

- HĐXX phúc thẩm gồm ba Thẩm phán. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định điểm b khoản 2 Điều 346 BLTTHS.

2.6. Nghiên cứu hồ sơ vụ án

- VBQPPL: Điều 307; 345, 348 và 355 BLTTHS; Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP

- Về nguyên tắc chung, cần phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án cả về thủ tục tố tụng và nội dung sự việc. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy không cần thiết xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, thì chỉ lập kế hoạch xét hỏi đối với nội dung kháng cáo, kháng nghị (Lưu ý: Đây chỉ là dự kiến kế hoạch xét hỏi, tại phiên tòa căn cứ vào diễn biến thực tế để xét hỏi cho phù hợp).

- Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án:

• Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án có thể được thay đổi linh hoạt phụ thuộc vào từng vụ án và kỹ năng của mỗi Thẩm phán. Thông thường, được tiến hành như sau:

 Nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị để xác định chủ thể kháng cáo, đối tượng kháng cáo;

 Nghiên cứu bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị;

 Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc xem xét kháng cáo, kháng nghị;

 Xét thấy có cần thiết xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, quyết định sơ thẩm không;

 Cần ghi chép những chứng cứ chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị (cần ghi số bút lục để dễ tìm kiếm khi cần thiết);

 Căn cứ vào quy định tại Điều 307 BLTTHS cần có kế hoạch xét hỏi cụ thể hợp lý.

- Nếu trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, người kháng cáo và VKS kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm theo Điều 348 BLTTHS. Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm phải làm đúng theo mẫu số 51-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP.

2.7. Nhận và xem xét chứng cứ được bổ sung tại Toà án cấp phúc thẩm

- VBQPPL: Điều 88 BLTTHS

- Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm có quyền yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ mới; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

- VKS có thể tự mình bổ sung chứng cứ mới; người kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền bổ sung tài liệu, đồ vật. Việc giao nhận chứng cứ mới; giao nhận tài liệu, đồ vật do đương sự bổ sung phải được lập thành văn bản. Biên bản phải có chữ ký của bên giao, bên nhận và được lưu trong hồ sơ vụ án.

- Chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét, nghiên cứu cùng chứng cứ cũ, tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án.

2.8. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà phúc thẩm

- VBQPPL: Điều 351 BLTTHS

- Căn cứ vào Điều 351 BLTTHS để xác định những người tham gia phiên toà phúc thẩm. Trên cơ sở đó, triệu tập những người tham gia đến phiên toà phúc thẩm bằng văn bản và tuỳ vào từng đối tượng cụ thể mà có hình thức văn bản phù hợp.

2.9. Chuẩn bị cho việc quyết định bắt và tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án

- VBQPPL: Điều 347 BLTTHS

- Trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy có đủ các điều kiện (có căn cứ để xử phạt tù bị cáo; bị cáo không thuộc trường hợp có thể cho hưởng án treo; bị cáo không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 BLTTHS và xét thấy cần ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, thì căn cứ vào Điều 347 và tham khảo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP để thực hiện.

3. Phiên tòa phúc thẩm

3.1. Quy định chung về thủ tục phiên toà phúc thẩm

- VBQPPL: Điều 354, các mục III, IV, V và VI Chương XXI BLTTHS

- Căn cứ vào Điều 354 BLTTHS , thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tục tranh tụng tại phiên toà phúc thẩm cũng tiến hành như phiên toà sơ thẩm; do đó, về nguyên tắc chung căn cứ vào quy định tại các mục III, IV, V và VI Chương XXI BLTTHS ; và (tham khảo hướng dẫn tại các phần II, III và IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP; mục 4 Phần II Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP để tiến hành thủ tục phiên toà phúc thẩm đúng quy định). Cần đọc kỹ các hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 “Phiên tòa sơ thẩm” trong phần thứ hai “Xét xử các vụ án hình sự” của cuốn Sổ tay này.

3.2. Thủ tục bắt đầu phiên toà

- VBQPPL: Điều 52, 53, 54, khoản 1 Điều 354, Điều 349, Điều 350, Điều 351 và Điều 467 BLTTHS

- Trước khi bắt đầu phiên toà yêu cầu Thư ký Toà án phổ biến nội quy phiên toà, những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên toà quy định tại Điều 467 BLTTHS; kiểm tra những người được triệu tập tham gia phiên toà và nếu có người vắng mặt cần làm rõ lý do để báo cáo với HĐXX.

- Chủ toạ phiên toà khai mạc phiên toà, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, mọi người trong phòng xử án đứng dậy.

- Sau khi khai mạc phiên toà, Chủ toạ phiên tòa đề nghị Thư ký Toà án báo cáo danh sách những người được triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm đã có mặt; nếu có người vắng mặt đề nghị báo cáo lý do của sự vắng mặt.

- Thủ tục bắt đầu phiên tòa được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm.

3.3. Thủ tục xét hỏi tại phiên toà

- Trước khi bắt đầu xét hỏi, một thành viên của HĐXX trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.

- Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.

- Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì Chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.

- Việc xét hỏi và các công việc tiếp theo được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm.

3.4. Tranh luận tại phiên toà; nghị án và tuyên án; thực hiện các công việc sau khi kết thúc phiên toà

- VBQPPL: Điều 354 và Điều 355 BLTTHS

- Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị.

- Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án.

- Thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm.

- HĐXX nghị án và có thể quyết định: Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

- Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 090.360.1234

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G