Mức tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP là bao nhiêu?

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối tượng áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Theo đó, tiền lương tối thiểu trả cho người lao động phải ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng được công bố. Như vậy, khi mức lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh tiền lương cho phù hợp để trả cho người lao động.

- Lưu ý: Doanh nghiệp chỉ phải tăng lương cho những người lao động đang được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới.

Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp thay đổi như thế nào?

- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động:

Theo nghị định, tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6% sẽ được thay đổi như sau:

+ Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng;

+ Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng;

+ Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng;

+ Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

- Đối với người lao động đã qua đào tạo:

Người lao động làm việc qua học nghề, đào tạo nghề được nhận thêm ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nêu trên, theo đó mức lương của người lao động học nghề như sau:

+ Mức 5.010.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;

+ Mức 4.450.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;

+ Mức 3.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;

+ Mức 3.480.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Nếu doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu như sau:

"Điều 17. Vi phạm quy định về tiền lương

...

3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

...

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này."

Như vậy, từ ngày 01/7/2022, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP sẽ được tăng lương tối thiểu vùng, mức tăng sẽ là 6% so với quy định cụ tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Trường hợp doanh nghiệp không trả lương theo mức lương tối thiểu vùng mới sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 75 triệu đồng.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2022.

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G