Trong vụ án cho vay lãi nặng có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?
Trưng cầu giám định là biện pháp điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc, vụ án hình sự; việc sử dụng kết quả giám định có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm cũng như việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.
Căn cứ Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
"Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường."
Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP quy định:
“Điều 4. Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định
Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Thông tư liên tịch này, bao gồm:
1. Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm;
2. Khi cần truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử;
3. Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác;
4. Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, gồm:
a) Về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư dự án;
b) Về đấu thầu;
c) Về khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán;
d) Về quản lý vốn đầu tư như: Tạm ứng vốn không đúng quy định; sử dụng vốn thi công không đúng mục đích; bảo lãnh cho vay vốn, tạm ứng vốn, thực hiện hợp đồng hoặc điều chuyển vốn cho vay; cho vay vốn không đúng chế độ;
đ) Hành vi khác vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư.
5. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư gây ra, thì mức độ thiệt hại được xác định theo nguyên tắc lấy tổng chi phí đầu tư dự án trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ hoặc được xác định theo một hoặc trong các cách thức sau đây:
a) Tiền lãi suất ngân hàng của khoản tiền đã tạm ứng vốn mà sử dụng khoản tiền này không đúng mục đích dẫn đến không có khả năng thu hồi hoặc làm mất vốn đầu tư;
b) Tiền lãi suất ngân hàng của các khoản đầu tư cho vay, ủy thác hoặc điều chuyển vốn, sử dụng vốn không đúng quy định của pháp luật gây thất thoát, lãng phí;
c) Khoản chi phí phát sinh về tiền lãi vay của khoản vốn đã đầu tư và các chi phí khác đối với dự án kể từ khi dự án ngừng thi công hoặc ngừng hoạt động;
d) Tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng lên so với tổng mức đầu tư ban đầu mà nguyên nhân do có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện dự án hoặc làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
6. Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và các lĩnh vực khác khi xét thấy cần thiết.”
Do đó, việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp.
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234