Người bị xử lý án treo có được rời khỏi nơi cư trú không? Biện pháp xử lý vi phạm

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Hình sự 2015;

- Luật Thi hành án hình sự;

- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP;

- Các văn bản pháp luật liên quan khác.

2. Hạn chế quyền đối với người phạm tội nhưng được hưởng án treo

Án treo là một trong những chế tài hình sự, theo đó, người có hành vi phạm tội bị phạt tù nhưng do đáp ứng một số điều kiện nhất định nên được miễn thực hiện hình phạt tù.

Dù vậy, người phạm tội được hưởng án treo vẫn bị hạn chế một số quyền công dân nhất định theo quy định pháp luật trong đó bao gồm quyền tự do đi lại.

Người được hưởng án treo khi rời khỏi nơi cư trú phải có lý do chính đáng; được sự cho phép cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý và thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

3. Biện pháp xử lý

Tùy vào mức độ, tính chất vi phạm mà khi người được hưởng án treo tự ý rời khỏi nơi cư trú có thể bị xử phạt hành chính, bị kiểm điểm hoặc bị buộc thực hiện hình phạt tù theo bản án đã cho hưởng án treo.

Xử phạt hành chính:

Người được hưởng án treo nhưng tự ý rời khỏi nơi cư trú có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo điểm c Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với người bị phạt tù cho hưởng án treo, người bị án phạt cải tạo không giam giữ mà không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định; không có mặt theo yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục mà không có lý do chính đáng hoặc đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã;"

Bị kiểm điểm:

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo bị Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm trong các trường hợp sau:

- Không chấp hành các quy định đảm bảo an toàn, trật tự xã hội; nghĩa vụ công dân; các hình phạt bổ sung và bồi thường thiệt hại trừ trường hợp có lý do chính đáng và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

- Tự ý rời khỏi nơi cư trú; không tuân thủ các quy định về việc có mặt tại địa phương;

- Không thực hiện báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ với các cơ quan có thẩm quyền giám sát, giáo dục mình tại địa phương.

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Buộc thực hiện hình phạt tù:

Người được hưởng án treo có thể bị buộc thực hiện hình phạt tù theo bản án trước đó trong các trường hợp sau:

- Người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo, đã có biên bản vi phạm mà không có mặt khi được yêu cầu phải có mặt trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Khi đó cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập biên bản vi phạm và đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú, Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo làm việc quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

- Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục vi phạm và dù đã được nhắc nhở bằng văn bản thì Công an cấp xã đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng, chính xác nhất.

Thông tin liên hệ công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Phòng 903 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Phòng 1103 Tòa nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

SĐT: 0912 772 008 - 0912 660 002

Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G