Người dân tiêm vac-xin tử vong thì ai bồi thường?

Trong thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam có diễn biến hết sức phức tạp, số ca lây nhiễm lên đến hơn 200.000 ca, Chính phủ đẩy mạnh việc tiêm vacxin đại trà cho toàn dân. Tuy nhiên một bộ phận dân chúng vẫn lo lắng về biến chứng của vacxin. Đặc biệt khi tin tức về trường hợp tử vong sau khi tiêm vacxin, rất nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân sẽ thuộc về ai?

Thắc mắc này được giải đáp cụ thể trong quy định của khoản 6 Điều 30 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 và Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

“Khi sử dụng vacxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.”

Trong đó, tiêm chủng chống dịch là chương trình tiêm chủng Nhà nước tổ chức và chịu toàn bộ chi phí. Đối tượng được tiêm chủng là những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch. Dựa trên tính chất của dịch bệnh Covid-19, các chủ trương, chỉ thị phòng chống dịch của Nhà nước có thể xác định chương trình tiêm vacxin Covid-19 là hoạt động tiêm chủng chống dịch, nếu người được tiêm vắc xin tử vong thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường cho họ.

Khoản bồi thường này sẽ bao gồm: Các chi phí khám chữa bệnh tại cơ sở y tế; Chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở theo quy định của Nhà nước (tương đương với 14.900.000 đồng); Chi bù đắp tổn thất về tinh thần cho thân nhân của người bị tử vong sau tiêm là 100.000.000 đồng và chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút đối với người bị thiệt hại và người chăm sóc.

Tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tử vong là trường hợp hy hữu nhất trong hoạt động tiêm phòng chống dịch. Vì vậy để ngăn chặn hậu quả này xảy ra, các cơ sở tiêm phòng chống dịch luôn chú trọng đến việc đưa ra các hướng dẫn, khuyến cáo và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm cho mọi người. Có thể thấy, Nhà nước rất có trách nhiệm trong việc tiêm phòng chống dịch và bảo đảm cho sức khỏe của nhân dân.

Vì vậy mỗi người dân cũng nên có ý thức cộng đồng, chủ động hợp tác cùng các cơ quan nhà nước để tiêm phòng, tạo miễn dịch cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh.

=>>> Làm lây lan dịch bệnh cho người khác bị xử phạt như thế nào?

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G