Thủ tục làm giấy khai sinh cho con khi không đăng ký kết hôn

Hiện nay, nhiều người không còn quá coi trọng việc đăng ký kết hôn. Trong trường hợp các bên có con chung thì có thể thưc hiện khai sinh cho con hay không?

Sau đây, Công ty Luật TNHH ANP sẽ tư vấn cho bạn đọc về Thủ tục làm giấy khai sinh cho con khi không đăng ký kết hôn.

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015;

- Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

- Luật Hộ tịch 2014;

- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Quyền đăng ký khai sinh

Từ khi sinh ra, cá nhân đó có quyền được khai sinh. Đây là quyền nhân thân, không bị hạn chế trong bất cứ trường hợp nào.

Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với trẻ em sinh ra mà sống được từ 24 giờ trở lên mới chết thì bắt buộc phải thực hiện khai sinh và khai tử. Trường hợp trẻ sinh ra mà không sống quá 24 giờ thì được đăng ký khai sinh và khai tử theo yêu cầu của cha, mẹ đẻ.

Đồng thời, Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam nữ không đăng ký kết hôn khi đủ điều kiện đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ đối với con cái giống như khi đăng ký kết hôn.

Như vậy, việc khai sinh cho con không phụ thuộc vào việc cha mẹ có đăng ký kết hôn hay không.

3. Thủ tục làm giấy khai sinh cho con khi không đăng ký kết hôn

Khi nam, nữ không đăng kí kết hôn thì việc khai sinh cho con có thể có tên cha hoặc không.

Trường hợp 1. Trường hợp đăng ký khai sinh mà bỏ trống tên cha:

Khi đăng ký khai sinh bỏ trống tên cha thì họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

Việc thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ trong trường hợp này được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký khai sinh.

Hồ sơ đăng ký khai sinh gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu;

- Bản chính Giấy chứng sinh;

Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì phải có văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

- Văn bản ủy quyền trong trường hợp người thực hiện khai sinh không phải cha, mẹ của trẻ.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ.

Người thực hiện khai sinh cho trẻ có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND xã nơi cư trú của người mẹ hoặc nộp qua đường bưu điện.

Đối với trường hợp nộp trực tiếp, người thực hiện khai sinh phải xuất trình được giấy tờ tùy thân như: CMND, CCCD,… để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh; Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh

Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình và hướng dẫn người thực hiện khai sinh bổ sung giấy tờ trong trường hợp còn thiếu.

Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả. Thông thường, việc đăng ký khai sinh được thực hiện ngay trong ngày, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trừ trường hợp liên thông thủ tục đăng ký khai sinh thì thời hạn tối đa là 20 ngày.

Trường hợp 2. Trường hợp đăng ký khai sinh có tên cha

Khi chưa đăng ký kết hôn mà muốn khai sinh cho con có tên cha thì cần tiến hành làm đồng thời hai thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục nhận cha cho con.

Việc thực hiện tương tự như trường hợp đăng ký khai sinh cho con mà bỏ trống tên cha, tuy nhiên, người thực hiện đăng ký khai sinh cần chuẩn bị thêm các chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong hồ sơ đăng ký khai sinh như:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.

+ Các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh mối quan hệ cha con như: thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng,… và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Thời hạn giải quyết tối đa là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trong trường hợp các bên không có tranh chấp và hồ sơ hợp lệ thì cán bộ tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, con ký vào Sổ hộ tịch và thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh như bình thường.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Mọi thắc mắc cần giải đáp vui lòng gọi 0912 772 008 để được luật sư tư vấn miễn phí và nhanh chóng, chính xác nhất.

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 0912 772 008

- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G