Các hình thức hòa giải tranh chấp đất đai

Căn cứ pháp lý:

- Luật đất đai năm 2013;

- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Luật hòa giải cơ sở năm 2013.

Hòa giải trong tranh chấp đất đai là gì?

Hòa giải tranh chấp đất đai là biện pháp pháp lý giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, theo đó bên thứ ba độc lập giữ vai trò trung gian trong việc giúp các bên có tranh chấp tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết các tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến quyền sử dụng đất và thương lượng với nhau về việc giải quyết quyền lợi của mình.

Hình thức hòa giải bao gồm: Hòa giải ngoài tố tụng và hòa giải trong tố tụng.

1. Hòa giải ngoài tố tụng

Phương thức hòa giải ngoài tố tụng này bao gồm: hòa giải cơ sở, hòa giải tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã và hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án nhân dân.

- Hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì "Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở" và Điều luật này lại quy định theo hướng "Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp".Theo quy định tại Điều 159 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật đất đai thì các bên tranh chấp đất đai phải chủ động gặp gỡ để tự hòa giải, nếu không thỏa thuận được thì thông qua hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp đất đai. Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Xét về bản chất thì sự khác biệt giữa hòa giải cơ sở và hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã, phường, thị trấn là đối với hòa giải cơ sở do hòa giải viên thuộc Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác thực hiện. Cơ cấu tổ hòa giải có tổ trưởng và các tổ viên do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do UBND cùng cấp công nhận.

Tuy nhiên, khác với các hòa giải khác, hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai là loại hòa giải không bắt buộc, và không là căn cứ để xác định điều kiện thụ lý tranh chấp đất đai tại TAND nếu có hành vi khởi kiện.

Đây là phương thức được áp dụng chủ yếu với các tranh chấp đơn giản, tập trung các tranh chấp mang tính cục bộ địa phương và được hỗ trợ bởi một bên thứ ba – làm chức năng trung gian - Hòa giải viên hoạt động bên cạnh tổ hòa giải. Hiện nay, phương thức hòa giải cơ sở được quy định tại Luật Hòa giải cơ sở năm 2013.

- Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định chi tiết, cụ thể hơn về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã và thời hạn hòa giải. Điều 202 của Luật này quy định như sau:

"1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai".

Như vậy, những đặc trưng của hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã thực hiện cho thấy sự khác biệt căn bản giữa hình thức hòa giải này với các loại hình tự hòa giải tại cơ sở vốn là các hình thức hòa giải thuần túy trong nội bộ cộng đồng dân cư, không có bất cứ một sự can thiệp nào từ phía Nhà nước.

Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Đối với các tranh chấp về “ai là người có quyền sử dụng đất” mà chưa được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS năm 2015”.

Như vậy, một điều kiện bắt buộc để các bên giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất có thể khởi kiện ra tòa án là tranh chấp phải được hòa giải bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, cần phân biệt tranh chấp về quyền sử dụng đất với tranh chấp về giao dịch chuyển quyền sử dụng đất (tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp về chia tài sản chung là quyền sử dụng khi ly hôn… Những tranh chấp này không buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà chỉ những tranh chấp về mốc giới đất và tranh chấp về việc ai có quyền sử dụng đất thì mới buộc thông qua thủ tục hòa giải.

- Hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án nhân dân

Hòa giải tiền tố tụng là phương thức hiện đang được áp dụng thí điểm và chưa được hệ thống hóa bằng văn bản pháp luật. Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 tỉnh thành thí điểm xây dựng trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND và đã đạt được một số kết quả khả quan. Hòa giải được tiến hành trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2014. Đặc biệt, hình thức này không loại trừ các loại hình hòa giải khác, cũng như không loại trừ hòa giải trong tố tụng (mặc dù trung tâm hòa giải nằm ngay trong trụ sở TAND và được hòa giải viên do Chánh án tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm hỗ trợ giải quyết).

2. Hòa giải trong tố tụng

Hòa giải trong tố tụng là hình thức áp dụng tại Tòa án nhân dân (TAND), phát sinh khi có đơn khởi kiện liên quan đến tranh chấp đất đai dựa trên yêu cầu của các chủ thể giả thuyết có lợi ích bị ảnh hưởng. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, TAND với tư cách là cơ quan xét xử, có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật.

Có thể thấy, theo quy định của pháp luật dân sự, hòa giải là một chế định bắt buộc trong thủ tục tố tụng nhằm tạo điều kiện cho các bên một cơ hội khác thỏa thuận lại các vấn đề phát sinh trong tranh chấp và đi đến quyết định giải quyết tranh chấp cuối cùng bằng ôn hòa (nếu hòa giải thành) hoặc quyết định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tư pháp - xét xử (nếu hòa giải không thành).

Nếu bạn có vướng mắc liên quan đến vấn đề này, cần tham khảo kỹ quy định của pháp luật hoặc liên hệ đến luật sư tư vấn tại Công ty Luật ANP theo số Hotline: 0912 772 008 để được giải đáp. 

===

Có thể bạn quan tâm:

=> Các điều cần biết khi khởi kiện tranh chấp đất đai

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G