Thẩm quyền giải quyết ly hôn

Một trong những thắc mắc thường gặp của các cặp vợ chồng khi ly hôn là không biết phải nộp đơn ly hôn tại đâu? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn theo quy định pháp luật?

Căn cứ theo ý chí của các bên, ly hôn có thể phân chia thành hai loại: Ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Đối với mỗi loại, pháp luật đều có quy định khác nhau về thẩm quyền giải quyết ly hôn.

1. Ly hôn thuận tình

Trường hợp vợ chồng cùng tư nguyện yêu cầu ly hôn, đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì hai người có quyền yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Về bản chất, ly hôn thuận tình là việc dân sự.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, “Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Xét thẩm quyền theo cấp Tòa án, trường hợp thuận tình ly hôn không có yếu tố nước ngoài, tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Trường hợp ly hôn thuận tình mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng đưa ra một trường hợp ngoại lệ: Đối với việc ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng ở cùng khu vực biên giới với Việt Nam thì vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

Xét thẩm quyền theo lãnh thổ, Điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

2. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Trong quá trình chung sống nếu xảy ra tình trạng bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, một trong hai bên có quyền đơn phương khởi kiện đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết ly hôn.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”.

Về thẩm quyền theo cấp Tòa án, tương tự như thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn. Điểm khác biệt rõ ràng nhất về thẩm quyền của Tòa án giữa giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn là thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ. Nếu thuận tình ly hôn, hai vợ chồng có quyền tự do lựa chọn Tòa án nơi cư trú của một trong hai bên thì với vụ án đơn phương ly hôn, tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Tuy nhiên, nếu hai bên có thể thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn là tòa án giải quyết vụ việc thì Tòa án nhân dân nơi cư trú của nguyên đơn cũng có quyền thụ lý vụ án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH ANP về vấn đề thẩm quyền giải quyết ly hôn. Nếu cần hỗ trợ pháp lý, Quý khách vui lòng liên hệ luật sư theo Hotline: 0912 772 008 để được tư vấn.

---

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G