Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Hiện nay, nhiều công dân Việt Nam đã kết hôn với người nước ngoài tạo thành các gia đình đa quốc tịch, đa văn hóa, trở thành cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới. Việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trở thành một yêu cầu cấp bách, quan trọng nhằm làm ổn định và phát triển giao lưu dân sự quốc tế, đồng thời bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của công dân các nước có liên quan.

Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Như vậy, theo quy định trên, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ hôn nhân và gia đình sau:

- Có ít nhất một bên chủ thể là người nước ngoài.

Người nước ngoài là người không có quốc tịch của nước nơi mà họ đang cư trú. Theo Luật quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có thể xảy ra giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài, giữa công dân Việt Nam và người không quốc tịch, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam, giữa người không quốc tịch với nhau thường trú tại Việt Nam.

- Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài.

Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật Việt Nam thừa nhận việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các công dân Việt Nam với nhau theo pháp luật nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Pháp luật nước ngoài chỉ được xem xét áp dụng đối với quan hệ giữa công dân Việt Nam với nhau trong khoảng thời gian họ cư trú trên lãnh thổ nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu quan hệ hôn nhân và gia đình đó trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (như vi phạm chế độ một vợ một chồng, vi phạm điều kiện kết hôn và cấm kết hôn....) thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam sẽ không công nhận quan hệ đó.

- Giữa công dân Việt Nam với nhau mà tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài (ví dụ: Một phần tài sản chung của vợ chồng còn ở nước ngoài).

2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Theo quy định tại Điều 121:

- Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo đó, những nguyên tắc chung của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình đối với công dân Việt Nam đều được áp dụng trong các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nhưng do tính đặc thù của quan hệ này nên trong một số trường hợp, việc điều chỉnh có sự chặt chẽ hơn theo quy định riêng.

Trong trường hợp Việt Nam ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế về hôn nhân và gia đình thì các quy định trong các điều ước này được ưu tiên áp dụng. Nhà nước Việt Nam không thừa nhận các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nếu các quan hệ đó trái với các nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (ví dụ: Pháp luật Việt Nam không cho phép kết hôn giữa những người đồng tính, bởi vậy, quan hệ hôn nhân này không được thừa nhận và bảo hộ tại Việt Nam).

- Trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và có nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.

Quy định này thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam về việc áp dụng chế độ đãi ngộ như công dân Việt Nam đối với người nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định liên quan đến chính sách của Đảng, lợi ích của Nhà nước hoặc để bảo đảm an ninh quốc gia mà người nước ngoài tại Việt Nam không được hưởng các quyền và lợi ích ngang bằng với công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình (ví dụ: Theo quy định hiện hành, người nước ngoài không có quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam).

- Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.

Quy định trên tạo cơ sở pháp lý thống nhất để Nhà nước tiến hành bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước sở tại.

- Các quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cũng được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài.

3. Áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Do bản chất của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nên có ít nhất hai hệ thống pháp luật (pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài) cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Điều 122 Luật hôn nhân và gia đình quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau: “Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có quy định hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia viện dẫn thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc quy định trong Luật này”.

Theo quy định trên, luật nước ngoài được áp dụng đối với các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài khi:

- Được Luật hôn nhân và gia đình hoặc các văn bản pháp luật khác của Việt Nam quy định.

- Khi điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia viện dẫn. Trong các điều ước quốc tế thường quy định những quy phạm xung đột thống nhất làm cơ sở cho việc lựa chọn pháp luật áp dụng để giải quyết các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật hôn nhân và gia đình, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

- Pháp luật nước ngoài chỉ được áp dụng nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình.

4. Thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Điều 123 Luật hôn nhân và gia đình quy định về thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước và Thẩm quyền xét xử các vụ việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau:

- Thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

- Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Trên đây là bài viết của công ty Luật TNHH ANP về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, quý khách có thắc mắc cần tư vấn vui lòng liên hệ theo thông tin:

CÔNG TY LUẬT TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 0912 772 008

- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G