Hướng dẫn làm thủ tục ly hôn chi tiết nhất

Trên thực tế, nhiều khi có những mâu thuẫn không thể giải quyết trong cuộc sống vợ chồng khiến đôi bên không còn tiếng nói chung và đi đến lựa chọn cuối cùng không ai mong muốn là ly hôn. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục ly hôn, khi ly hôn cần phải chuẩn bị những giấy tờ nào – thì công ty Luật TNHH ANP xin gửi tới các bạn bài viết “Hướng dẫn Thủ tục ly hôn chi tiết nhất” được tổng hợp bởi luật sư tư vấn ly hôn của chúng tôi.

1. Văn bản pháp lý quy định về việc ly hôn bao gồm:

- Luật hôn nhân gia đình năm 2014;

- Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình;

- Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP Tòa án nhân dân tối cao;

- Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

2. Thủ tục ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định tại Điều 27 BLTTDS và được xác định theo đơn khởi kiện bao gồm các trường hợp:

- Ly hôn không có tranh chấp về việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

- Ly hôn có tranh chấp về việc nuôi con hoặc có tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn;

- Ly hôn có cả tranh chấp về nuôi con, tranh chấp về tài sản khi ly hôn;

- Thuận tình ly hôn, nhưng có tranh chấp về nuôi con hoặc tranh chấp về tài sản, hoặc tranh chấp cả về nuôi con và chia tài sản khi thuận tình ly hôn.

3. Về quyền yêu được cầu giải quyết ly hôn:

- Thứ nhất: Về nguyên tắc vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên trường hợp vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn (theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014)

- Thứ hai: Tòa án xem xét, quyết định cho ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Tình trạng của vợ chồng trầm trọng;

b) Đời sống chung không thể kéo dài;

c) Mục đích của hôn nhân không đạt.

Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có nêu căn cứ xác định lý do ly hôn, nguyên nhân ly hôn hợp pháp. “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.” Việc xem xét như thế nào là tình trạng hôn nhân ở mức trầm trọng,... trước đây đã được quy định chi tiết tại Điều 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP. Mặc dù quy định này đã hết hiệu lực thi hành nhưng vẫn được sử dụng với tính chất định hướng trong thực tiễn xét xử. Theo đó, " tình trạng hôn nhân của vợ chồng" được coi là trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần;

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

4. Các giấy tờ cần chuẩn bị trong thủ tục ly hôn thường bao gồm:

- Bản chính giấy đăng ký kết hôn;

- Bản sao giấy khai sinh của các con (nếu có con);

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân

- Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú (xuất trình cùng bản chính);

- Các chứng cứ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng)...

- Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh và đã xóa tên trong hộ khẩu;

Các giấy tờ, tài liệu nói nói trên phải là bản sao có chứng thực hoặc Thẩm phán phải tự mình đối chiếu bản sao với bản chính. Nếu là giấy tờ, tài liệu từ nước ngoài gửi về thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự (Điều 418 BLTTDS).

Trong trường hợp đơn phương ly hôn thì cần dùng Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP. Nếu trường hợp thuận tình ly hôn sẽ dùng Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình.

5. Quy trình, thủ tục xin ly hôn

- Bước 1: Nộp hồ sơ

Vợ/chồng nộp hồ sơ để làm thủ tục ly hôn tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cả hai đang cư trú hoặc nơi làm việc của vợ hoặc chồng; hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của bị đơn (chồng hoặc vợ) nếu đơn phương ly hôn;

- Bước 2: Nhận thông báo đóng án phí

Sau khi đã nhận đơn khởi kiện với hồ sơ hợp lệ, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí giải quyết thủ tục ly hôn với Mức án phí được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 như sau: Án phí Dân sự, hôn nhân gia đình sơ thẩm không có giá ngạch là: 300.000 đồng

- Bước 3: Nộp tiền án phí

Đương sự sẽ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và sẽ nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

- Bước 4: Thụ lý giải quyết

* Trong trường hợp Thuận tình ly hôn:

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải.

- Trong thời hạn 7 ngày kể từ sau khi hòa giải không thành: Nếu các bên vẫn không thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

* Trong trường hợp đơn phương ly hôn:

Tòa án sẽ thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục ly hôn chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án cụ thể như sau:

- Toà án sẽ nhận đơn khởi kiện do chính đương sự nộp ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án sẽ xem xét có đủ điều kiện thụ lý vụ án hay không

- Nguyên đơn gửi hồ sơ khởi kiện ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền

- Tòa án thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết vụ án theo đúng thủ tục chung và ra Bản án quyết định.

- Khi đã đủ điều kiện thì nguyên đơn sẽ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm cho Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;

- Về thời hạn: Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên tư vấn giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong việc tư vấn thủ tục ly hôn, đại diện bảo vệ khách hàng trong nhiều vụ việc hôn nhân và gia đình, chúng tôi luôn đem đến cho quý khách hàng một dịch vụ hoàn hảo, chuyên nghiệp theo đúng cam kết. Bạn có thể tham khảo thêm quy định liên quan hoặc gọi: 0912 772 008 để được luật sư tư vấn ly hôn miễn phí và hướng dẫn thủ tục ly hôn nhanh chóng, chính xác nhất.

---

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 0912 772 008

- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G