GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TIỀN
1. Thời hiệu
VBQPPL:
- Luật HN & GĐ (các Điều 59, 60, 61, 62, 63 và 69)
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Tòa án chỉ giải quyết việc chia tài sản khi ly hôn khi có yêu cầu của vợ hoặc chồng, hoặc của hai vợ chồng (như phạm vi giải quyết các vụ án dân sự khác).
• Để xác định tính chất của tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng thì áp dụng pháp luật ở thời điểm giao dịch.
• Việc chia tài sản là thực hiện hành vi pháp lý mới, nên áp dụng pháp luật về chia tài sản ở thời điểm xét xử.
• Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ, chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia; đối với những vấn đề không được thỏa thuận, hoặc thỏa thuận không rõ hoặc bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng của Luật HN & GĐ để chia.
• Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ, chồng hoặc văn bản này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì áp dụng chế độ tài sản của vợ, chồng theo Luật HN & GĐ để chia.
• Nguyên tắc chia tài sản của vợ, chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật HN & GĐ, hướng dẫn cụ thể tại các điều 5, 6, và 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
• Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng đối với người thứ ba; chia tài sản trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình; chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng; quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn được thực hiện theo quy định tại các điều từ 60 đến 63 Luật HN & GĐ.
• Lưu ý: Việc chia hiện vật về nhà, đất và quy định về hạn mức tách thửa, hạn mức về xây dựng:
- Hạn mức tách thửa không hoàn toàn là hạn mức về chia hiện vật đối với đất. Tuy nhiên, đủ điều kiện tách thửa là đủ điều kiện làm chủ sở hữu riêng. Vì vậy, không đủ điều kiện tách thửa (không đủ hạn mức) thì không được chia riêng, trừ trường hợp chia mà nhập vào đất đang sử dụng;
- Hạn mức xây dựng là xây dựng mới, không phải là hạn mức để không chia nhà có sẵn. Tuy nhiên, nếu việc chia dẫn đến phải xây dựng lại thì không thể chia nếu diện tích nhỏ hơn hạn mức xây dựng quy định.
2. Giải quyết một số loại hợp đồng vay tiền không phải là hợp đồng tín dụng
· Hợp đồng vay tiền chỉ thuộc một trong 04 dạng thức sau đây:
- Vay có kỳ hạn, có lãi;
- Vay có kỳ hạn, không lãi;
- Vay không kỳ hạn, có lãi; và
- Vay không kỳ hạn, không lãi.
· Lưu ý: Hợp đồng vay tiền thường được thực hiện trong thời gian dài, có nhiều thay đổi, nên cần chú ý việc áp dụng pháp luật đối với các hợp đồng được xác lập trước ngày 01/01/2017 như sau:
- Hợp đồng được thực hiện xong trước ngày 01/01/2017 mà có tranh chấp thì áp dụng BLDS năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội về việc thi hành BLDS và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS năm 2005 để giải quyết;
- Hợp đồng chưa được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS năm 2015 để giải quyết; trường hợp lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội về việc thi hành BLDS và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS năm 2005 để giải quyết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi, lãi suất phù hợp với BLDS năm 2015 và để áp dụng quy định của BLDS năm 2015;
- Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội về việc thi hành BLDS và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS năm 2005 để giải quyết;
- Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì việc áp dụng pháp luật để xác định lãi, lãi suất như sau:
+ Đối với khoảng thời gian trước ngày 01/01/2006 thì áp dụng quy định của BLDS năm 1995, Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội về việc thi hành BLDS và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng BLDS năm 1995;
+ Đối với khoảng thời gian từ ngày 01/01/2006 đến trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội về việc thi hành BLDS và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS năm 2005;
+ Đối với khoảng thời gian từ ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS năm 2015.
(Điều 2 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).
2.1. Hợp đồng vay tiền không có lãi
VBQPPL:
- BLDS (các Điều 287, 288, 289, 290, 357, 466, 468, 469 và 470)
- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi (khoản 1 Điều 469 BLDS), thì bên cho vay có thể đòi nợ bất cứ lúc nào, bên vay cũng có quyền trả nợ bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước trong thời gian hợp lý, nếu không có thỏa thuận khác.
- Khi bên cho vay đã thông báo đòi nợ mà bên vay không trả được nợ, thì ngày sau đó là ngày vi phạm nghĩa vụ thanh toán (ngày chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán). Dù là vay không có lãi thì bên vay vẫn phải trả cho bên cho vay một khoản lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Khoản lãi này được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS (10%/năm) với thời hạn kể từ ngày chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho đến khi xét xử sơ thẩm (áp dụng tương tự Điều 357 BLDS về nghĩa vụ chậm trả tiền và khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP về xác định thời điểm xét xử và thời gian chậm trả).
- Là hợp đồng vay không có lãi thì không phải thu thập chứng cứ về việc trả lãi nhưng vẫn phải chú ý nghĩa vụ chứng minh thuộc bên đưa ra sự kiện. Ví dụ: A đòi nợ B thì A phải chứng minh có việc cho B vay. Nếu B khai rằng B đã trả nợ cho A thì nghĩa vụ chứng minh việc đã trả nợ là nghĩa vụ của B;
- Các tài liệu có giá trị chứng minh thường được thu thập là: giấy biên nhận vay tiền; giấy xác nhận nợ (sau khi vay mới viết nhưng có nội dung xác nhận sự kiện vay); sổ ghi nợ có bút tích của bên vay thể hiện họ biết nội dung ghi trong sổ, v.v...
- Lưu ý: Đối với trường hợp có hợp đồng vay nhưng nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc giao nhận tiền thì không đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
2.2. Hợp đồng vay tiền có lãi
VBQPPL:
- BLDS (các Điều 466, 468, 469 và 470)
- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP
- Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 (mục 3 Phần III)
- Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC (mục 3 Phần III)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Hợp đồng vay có lãi là loại hợp đồng có thoả thuận trả lãi. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản vay. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất là 10%/năm (Điều 468 BLDS).
· Lưu ý: Mức lãi suất này có thể bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế.
· Đối với hợp đồng vay có thời hạn thì nghĩa vụ trả nợ của bên vay bao gồm:
- Tiền gốc chưa trả;
- Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS (hiện nay là 20%/năm) tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS tại thời điểm trả nợ;
- Lãi trên số tiền nợ lãi trong hạn: Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS (hiện này là 10%/năm) tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS.
(Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).
· Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; nếu còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay (Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).
· Xử lý thỏa thuận vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn, lưu ý: nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn (Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).
· Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả:
- “Thời điểm trả nợ” là thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời điểm xét xử sơ thẩm” là ngày Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày Tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại.
- “Thời gian chậm trả” được xác định như sau:
+ Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 BLDS năm 1995, Điều 477 BLDS năm 2005, Điều 469 BLDS năm 2015 do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo;
+ Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết kỳ hạn vay đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
+ Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc chưa trả bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày phải trả lãi trên nợ gốc đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Xử lý tài sản thế chấp
VBQPPL:
- BLDS (các điều từ Điều 292 đến Điều 308 và từ Điều 317 đến Điều 327)
- Luật đất đai (Điều 167, Điều 188)
- Luật nhà ở (Điều 122, các điều từ Điều 144 đến Điều 149)
- Nghị định số 21/2021/NĐ-CP
- Nghị định số 102/2017/NĐ-CP
- Án lệ số 11/2017/AL
- Án lệ số 36/2020/AL
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Thế chấp là biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng thường được áp dụng cho loại hợp đồng vay tiền. Vì vậy, đồng thời với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền thì Toà án cũng phải giải quyết về tài sản thế chấp.
· Giao dịch thế chấp cũng là một hợp đồng nên cũng phải tuân theo các quy định có hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng thế chấp có thể được lập thành văn bản riêng, cũng có thể ghi ngay trong hợp đồng mà nó bảo đảm nhưng hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực độc lập và phải tuân thủ các quy định về hợp đồng thế chấp.
· Việc thế chấp quyền sử dụng đất và thế chấp nhà đều phải được công chứng hoặc chứng thực. (Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại UBND cấp xã). Cần phân biệt như sau:
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp nhà là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng (khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở);
- Việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính (khoản 3 Điều 188 Luật đất đai).
· Hiệu lực đối kháng với người thứ 3 (Điều 297 BLDS): Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký hoặc bên nhận thế chấp nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản thế chấp; khi thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận thế chấp được quyền truy đòi tài sản thế chấp và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của BLDS và luật khác có liên quan.
Phương thức xử lý tài sản thế chấp được quy định tại Điều 303 BLDS .
· Lưu ý: Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thế chấp thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
· Người đang giữ tài sản thế chấp có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp (Bên cho vay) để xử lý khi đến hạn mà Bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác (Điều 301 BLDS ).
· Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 307 BLDS .
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234