Giải quyết một số vụ việc kinh doanh, thương mại
1. Giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty
Giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty:
VBQPPL:
- BLTTDS (khoản 4 Điều 30)
- Luật DN
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP
- Nghị định số 47/2021/NĐ-CP
- Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Thành viên, cổ đông công ty có thể là tổ chức, cá nhân.
- Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh;
- Thành viên công ty hợp danh bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn;
- Thành viên sáng lập là người góp vốn, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;
- Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại các điều 49, 50, 51, 52 Luật DN.
· Khi có yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật DN, nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
· Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 4 Điều 51 Luật DN thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
· Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
· Các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
· Thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty thuộc (Tòa kinh tế) TAND cấp tỉnh (khoản 4 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 37 và a khoản 3 Điều 38 BLTTDS).
· Khi giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty, Thẩm phán cần thu thập và kiểm tra các tài liệu sau: Sổ đăng ký thành viên và Giấy chứng nhận phần vốn góp (đối với Công ty TNHH...); Sổ đăng ký cổ đông (đối với Công ty cổ phần); Giấy chứng nhận đăng ký DN; Điều lệ Công ty; các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan, cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp v.v... để đối chiếu với các quy định của Luật DN và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
2. Yêu cầu liên quan đến việc TTTM Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về TTTM (Hủy phán quyết Trọng tài)
VBQPPL:
- BLTTDS (khoản 2 Điều 31; các điểm b và c khoản 1, khoản 2 Điều 37; điểm a khoản 3 Điều 38; khoản 3 Điều 67, Điều 414 và Điều 415)
- Luật TTTM
- Nghị định số 63/2011/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2018/NĐ-CP)
- Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật TTTM thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài. Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ và hợp pháp. Trường hợp gửi đơn quá hạn vì sự kiện bất khả kháng thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không được tính vào thời hạn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài (Điều 69 Luật TTTM).
· Đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài phải có các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật TTTM.
· Kèm theo đơn yêu cầu phải có các giấy tờ sau đây:
- Bản chính hoặc bản sao phán quyết trọng tài đã được chứng thực hợp lệ;
- Bản chính hoặc bản sao thoả thuận trọng tài đã được chứng thực hợp lệ.
· Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
· Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản: a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận (Điều 9 Luật TTTM).
· Thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp quy định tại Điều 18 Luật TTTM.
· Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài (Điều 19 Luật TTTM).
· Sau khi nhận đủ các giấy tờ quy định tại Điều 70 của Luật TTTM, Toà án thông báo ngay cho bên yêu cầu phải nộp lệ phí là 300.000 đồng (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14).
· Sau khi thụ lý đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, Toà án có thẩm quyền thông báo ngay cho Trung tâm trọng tài hoặc các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp và VKS cùng cấp.
· Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Chánh án Toà án chỉ định một Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
· Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được chỉ định, Hội đồng xét đơn yêu cầu phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài. Tòa án phải chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 07 ngày làm việc trước ngày mở phiên họp để tham dự phiên họp của Tòa án xét đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, VKS phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xem xét đơn yêu cầu.
· Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của các bên tranh chấp, luật sư của các bên, nếu có, Kiểm sát viên VKS cùng cấp. Trường hợp một trong các bên yêu cầu Hội đồng xét đơn vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận thì Hội đồng vẫn tiến hành xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài.
· Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của những người được triệu tập, nếu có, Kiểm sát viên trình bày ý kiến của VKS, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số.
· Hội đồng xét đơn yêu cầu có quyền ra quyết định huỷ hoặc không huỷ phán quyết trọng tài. Trong trường hợp bên yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài rút đơn hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận thì Hội đồng ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
· Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên Trọng tài vụ việc và VKS cùng cấp.
· Theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài. Hội đồng trọng tài phải thông báo cho Tòa án biết về việc khắc phục sai sót tố tụng. Trường hợp Hội đồng trọng tài không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng thì Hội đồng tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
· Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài được thi hành.
· Trong mọi trường hợp, thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thời gian tiến hành thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án không tính vào thời hiệu khởi kiện.
· Quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
· Căn cứ hủy phán quyết trọng tài: Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên; Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật TTTM; Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ; Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (Điều 68 Luật TTTM).
· Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau: Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó; Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.
3. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài
VBQPPL:
- BLTTDS (khoản 5 Điều 31; các điểm b và c khoản 1, khoản 2 Điều 37; điểm a khoản 3 Điều 38; khoản 1 Điều 67; từ Điều 424 đến Điều 430; từ Điều 451 đến Điều 463)
- Luật TTTM
- Nghị định số 63/2011/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2018/NĐ-CP)
- Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP
- Công ước New York
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Thẩm quyền giải quyết: TAND cấp tỉnh.
· Phán quyết của Trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn.
· Nguyên tắc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 424 BLTTDS.
· Người có quyền yêu cầu: Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu.
· Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, Toà án Việt Nam thông qua Bộ Tư pháp thông báo kết quả xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã gửi đơn yêu cầu và cá nhân, cơ quan tổ chức khác có liên quan đến quyết định đó của Toà án Việt Nam.
· Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải được gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam và phải có các nội dung chính quy định tại Điều 452 BLTTDS. Gửi kèm theo đơn yêu cầu là các giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 453 BLTTDS.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 453 BLTTDS thì Bộ Tư pháp phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền;
- Trường hợp Bộ Tư pháp đã chuyển hồ sơ cho Tòa án mà sau đó lại nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho biết đang xem xét hoặc đã hủy bỏ, đình chỉ thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài thì Bộ Tư pháp phải thông báo ngay bằng văn bản cho Tòa án biết;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc nhận được đơn và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có đơn yêu cầu gửi đến, Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các điều 363, 364 và 365 BLTTDS để xem xét, thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam, VKS cùng cấp và Bộ Tư pháp;
- Chuẩn bị xét đơn yêu cầu: Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp mà Tòa án ra một trong các quyết định sau đây: a) Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; b) Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; c) Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
· Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có quyền yêu cầu người được thi hành giải thích những điểm chưa rõ trong đơn. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
- Tòa án phải mở phiên họp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 15 ngày trước ngày mở phiên họp; hết thời hạn này, VKS phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xét đơn yêu cầu;
- Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 457 BLTTDS.
· Phiên họp xét đơn yêu cầu phải tiến hành theo đúng quy định tại Điều 458 BLTTDS.
· Quyết định của Trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong các trường hợp quy định tại Điều 459 BLTTDS.
· Việc kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án theo quy định tại Điều 461 BLTTDS.
· Tạm đình chỉ thi hành, hủy quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 463 BLTTDS.
· Việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tuân thủ quy định của Công ước New York, nội dung Việt Nam tuyên bố bảo lưu khi gia nhập Công ước; xem xét thỏa thuận trọng tài, việc tống đạt trong quá trình giải quyết trọng tài, hiệu lực của phán quyết trọng tài tại quốc gia ban hành phán quyết; quy định của pháp luật của từng quốc gia mà các bên có quốc tịch về thành lập pháp nhân thương mại; quy định của pháp luật quốc gia ban hành phán quyết; pháp luật của quốc gia mà Phán quyết trọng tài áp dụng. (Tham khảo “Sổ tay Pháp luật về Trọng tài và Hòa giải”, Tòa án nhân dân tối cao - World Bank, 2017).
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234