GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN NHÀ Ở

Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

Nhà chung cư là nhà có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

1. Áp dụng pháp luật tương ứng với thời điểm giao dịch

· Trường hợp mua bán nhà ở xảy ra trước ngày 01/7/1991 không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia thì áp dụng:

- Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10;

- Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC;

- Công văn số 56/1999/KHXX ngày 17/6/1999 của TANDTC.

· Trường hợp mua bán nhà ở xảy ra trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia thì áp dụng:

- Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11.

· Trường hợp mua bán nhà ở từ ngày 01/7/1991 đến trước ngày 01/7/1996 áp dụng:

- Pháp lệnh về nhà ở;

- Pháp lệnh hợp đồng dân sự;

- Quyết định số 297/CT ngày 02/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc giải quyết một số vấn đề về nhà ở.

· Trường hợp mua bán nhà ở từ ngày 01/7/1996 đến trước ngày 01/01/2006 áp dụng:

- BLDS 1995;

- Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP.

· Trường hợp mua bán nhà ở từ ngày 01/01/2006 đến trước ngày 01/7/2006 áp dụng:

- BLDS 2005

- Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP.

· Trường hợp mua bán nhà ở từ ngày 01/7/2006 đến trước ngày 01/7/2015 áp dụng:

- BLDS 2015;

- Luật nhà ở năm 2005 (Luật số 34/2009/QH12 ngày 18/6/2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2009; Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2009);

- Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP.

· Trường hợp mua bán nhà ở từ ngày 01/7/2015 đến nay áp dụng:

- Luật Nhà ở 2014;

- BLDS 2005 (đối với hợp đồng mua bán nhà ở trước ngày 01/01/2017 thực hiện theo khoản 1 Điều 688 BLDS 2005).

· Lưu ý:

- Trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Nhà ở với pháp luật có liên quan về nhà ở thì áp dụng quy định của Luật Nhà ở;

- Cùng với những quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán nhà ở, Thẩm phán cần phải áp dụng những quy định khác có liên quan. Các quy định pháp luật liên quan thường là những quy định liên quan đến xác định tư cách chủ thể của hợp đồng, liên quan đến quy định về sở hữu chung; phổ biến nhất là những quy định của pháp luật về thừa kế, pháp luật về hôn nhân và gia đình;

- Khi áp dụng các quy định pháp luật có liên quan, nguyên tắc chung vẫn là áp dụng pháp luật ở thời điểm giao dịch (giao kết hợp đồng mua bán). Tuy vậy, có trường hợp phải áp dụng pháp luật ở thời điểm nhà ở được tạo lập hoặc chuyển dịch sở hữu để xác định chủ sở hữu hợp pháp của nhà ở. Ví dụ: Văn bản tự chia nhà ở của vợ chồng ở thời điểm năm 1995 không có giá trị pháp luật (không phù hợp với Luật HN&GĐ 1986) nhưng văn bản tự chia nhà ở của vợ chồng vào năm 2001 là hợp pháp (phù hợp Luật HN&GĐ 2000) và bên được chia hoàn toàn được tự mình bán phần nhà ở đó.

2. Các bước cơ bản và những vấn đề cần chú ý khi giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở

2.1. Xác định hợp đồng mua bán nhà ở có hiệu lực hay bị vô hiệu

Thẩm phán phải thu thập chứng cứ xác định hợp đồng mua bán nhà ở đang tranh chấp là hợp đồng có hiệu lực hay vô hiệu.

2.1.1. Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng mua bán nhà ở

· Trường hợp áp dụng BLDS 2015 và Luật nhà ở 2014, để xác định điều kiện công nhận hợp đồng mua bán nhà ở phải căn cứ: Điều 117, Điều 129 BLDS 2015; Điều 118, Điều 119, Điều 121, khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014.

· Trường hợp áp dụng pháp luật khác (BLDS 1995, BLDS 2005, Luật nhà ở 2014, Luật nhà ở 2023, Pháp lệnh về hợp đồng dân sự 1991) thì dẫn chiếu những điều tương ứng về điều kiện công nhận hợp đồng để xác định.

· Hợp đồng mua bán nhà ở có hiệu lực khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 117 BLDS 2015.

· Hình thức của hợp đồng:

- Hợp đồng lập thành văn bản;

- Hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm công chứng, chứng thực; trường hợp hợp đồng không công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.

· Lưu ý:

- Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở:

+ Theo Luật Nhà ở 2005, quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân hoặc đã giao nhận nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng đối với giao dịch về nhà ở mà một bên là tổ chức kinh doanh nhà ở;

+ Theo Luật nhà ở 2014, quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 12 Luật nhà ở 2014).

- Trường hợp hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 132 BLDS 2015 mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực. Đối với yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại Điều 123 và Điều 124 của BLDS 2015 thì không quy định thời hiệu;

- Trường hợp hợp đồng mua bán nhà ở với trường hợp giao dịch xảy ra trước ngày 01/7/1991:

+ Hình thức của hợp đồng không đúng quy định tại thời điểm giao kết cũng vẫn được công nhận hiệu lực của hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Ø Nếu bên mua đã trả đủ hoặc một phần tiền mua nhà;

Ø Bên bán đã giao toàn bộ hoặc một phần nhà.

+ Nếu thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà đã được hoàn tất thì coi như hợp đồng có hiệu lực (buộc phải thực hiện những gì chưa thực hiện) mà không phải xét về hình thức của hợp đồng (khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10).

 

2.1.2. Hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu

· Về áp dụng pháp luật:

- Trường hợp áp dụng BLDS 2015 và Luật Nhà ở 2014 để xác định hợp đồng mua bán nhà vô hiệu thì áp dụng: từ Điều 122 đến Điều 130, Điều 132, Điều 407 và Điều 408 BLDS 2015; Điều 118, 119, 121 và 122 Luật Nhà ở. Trường hợp áp dụng pháp luật khác (BLDS 1995, BLDS 2005, Luật nhà ở 2014, Luật nhà ở 2023, Pháp lệnh về hợp đồng dân sự 1991) thì dẫn chiếu những điều tương ứng về quy định hợp đồng vô hiệu để giải quyết;

- Trường hợp hợp đồng mua bán nhà ở xác lập trước 01/7/1991, có nội dung vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội theo quy định của BLDS thì bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần (khoản 5 Điều 5 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10).

· Về kỹ năng:

- Thẩm phán xác định hợp đồng mua bán nhà là vô hiệu khi vi phạm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 117 BLDS 2015 .

+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 117 BLDS 2015 , Điều 121 và khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở, hình thức của hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền (theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực tại thời điểm giao kết hợp đồng); nếu vi phạm, hợp đồng mua bán nhà ở sẽ vô hiệu, trừ trường hợp một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch (Điều 129 BLDS 2015).

+ Vô hiệu do hợp đồng mua bán nhà ở giả tạo quy định tại Điều 124 BLDS 2015 là trường hợp thật sự không có hợp đồng mua bán nhà hoặc có nhưng nội dung ghi chép trong văn bản hợp đồng không phản ảnh đúng ý chí của các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng đã thỏa thuận, mục đích là để che giấu hợp đồng khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ.

· Lưu ý: Trường hợp giả tạo nhằm che giấu hợp đồng khác thì hợp đồng giả tạo bị vô hiệu, còn hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng đó theo quy định của pháp luật cũng bị vô hiệu.

- Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được quy định tại Điều 408 BLDS 2015 cần phân biệt với trường hợp huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng quy định tại Điều 426 BLDS 2015 ;

- Hợp đồng mua bán nhà vô hiệu từng phần quy định tại Điều 130 BLDS 2015 là trường hợp một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng. Việc xác định hợp đồng mua bán nhà vô hiệu một phần khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Ngôi nhà (đối tượng của hợp đồng) là tài sản có thể phân chia được;

+ Phần không vô hiệu có đầy đủ những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

- Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo quy định tại Điều 133 BLDS 2015 thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một hợp đồng mua bán nhà khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện hợp đồng thì hợp đồng đó không bị vô hiệu;

+  Trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa;

+ Lưu ý: Người thứ ba ngay tình là khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán nhà người đó không biết và không thể biết về việc bên bán nhà không có quyền bán ngôi nhà đó.

2.2. Giải quyết tranh chấp về Hợp đồng mua bán nhà ở

2.2.1. Giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở có hiệu lực

VBQPPL:

- BLDS (các Điều 356, 357, 359, 360, 361; các điều từ Điều 410 đến Điều 428)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Những vấn đề chung:

- Do các quyền và nghĩa vụ của các bên thể hiện trong hợp đồng nên văn bản hợp đồng và những văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng là những tài liệu làm căn cứ giải quyết.

· Xác định vi phạm:

- Căn cứ vào nội dung của hợp đồng để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên phải thực hiện;

- Thu thập chứng cứ để xác định rõ các bên đã thực hiện các quyền, nghĩa vụ của hợp đồng như thế nào, đối chiếu với nội dung đã thỏa thuận và quy định của pháp luật để xác định có vi phạm nghĩa vụ hay không;

- Nếu có người vi phạm nghĩa vụ thì buộc thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại (nếu có).

· Xử lý vi phạm:

- Yêu cầu hủy bỏ hợp đồng: Căn cứ vào các quy định từ Điều 423 đến Điều 427 BLDS .

- Yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng:

Khi hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện đúng những quyền, nghĩa vụ của hợp đồng, bên bán nhà phải giao nhà, bên mua nhà phải trả tiền.

+ Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền:

Ø Đối với trường hợp mua bán nhà ở xác lập trước ngày 01/7/1991 thì theo Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 tiền phải trả phải tính theo thời giá (trả đủ theo tỷ lệ % tiền chưa trả theo giá nhà ở thời điểm trả tiền - cũng là thời điểm xét xử sơ thẩm);

Ø Theo quy định tại khoản 2 Điều 313 BLDS 1995, trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền, thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

Ø Theo quy định tại khoản 2 Điều 305 BLDS 2005, trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

Ø Theo quy định của Điều 357 BLDS 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015.

Lưu ý: Không nhầm lẫn giữa hợp đồng có hiệu lực với hợp đồng đã được hoàn thành (đã thực hiện xong) hay việc làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu (sang tên trước bạ). Việc đăng ký trước bạ là một hành vi thực hiện hợp đồng chứ không phải hành vi giao kết hợp đồng, không phải là căn cứ để công nhận hay hủy hợp đồng (chỉ riêng việc mua bán nhà ở trước ngày 01/7/1991 thì thủ tục chuyển quyền sở hữu đã được hoàn tất là điều kiện để công nhận hợp đồng).

+ Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng mua bán nhà:

Ø Theo quy định tại Điều 419 BLDS 2015, người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

Ø Điều 360 BLDS 2015 quy định trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2.2.2. Giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu

VBQPPL:

- BLDS 1995 (Điều 146)

- BLDS 2005 (Điều 137)

- BLDS 2015 (Điều 131)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Căn cứ các quy định pháp luật để giải quyết hậu quả của hợp đồng mua bán nhà vô hiệu: Điều 131 BLDS 2015 quy định hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là quy định có tính nguyên tắc chung cho việc giải quyết hậu quả của các loại hợp đồng vô hiệu.

Tuy nhiên, về giải quyết hậu quả đối với tài sản của hợp đồng thì BLDS 1995, BLDS 2005, BLDS 2015 quy định khác nhau, vì vậy hợp đồng vô hiệu thời điểm nào, căn cứ quy định của BLDS tại thời điểm đó giải quyết.

3. Giải quyết về đặt cọc trong hợp đồng mua bán nhà ở

VBQPPL:

- BLDS 1995 (Điều 363)

- BLDS 2005 (Điều 358)

- BLDS 2015 (Điều 328)

- Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP (tham khảo)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Đặt cọc cũng là một giao dịch dân sự, không phải là một phần của hợp đồng mua bán nhà ở nên không phải cứ hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu thì đặt cọc vô hiệu.

· Đặt cọc có hiệu lực khi bảo đảm đủ các điều kiện quy định tại Điều 131 BLDS 1995, Điều 122 BLDS 2005, Điều 117 BLDS 2015. Trong đó về hình thức phải được lập thành văn bản (Điều 358 BLDS 2005) nhưng không đòi hỏi như hợp đồng mua bán nhà ở phải công chứng, chứng thực. Riêng Điều 328 BLDS 2015 không quy định phải lập thành văn bản.

· Giao dịch đặt cọc có thể chỉ bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng (có trước hợp đồng mua bán và độc lập với hợp đồng) cũng có thể chỉ để thực hiện hợp đồng hoặc vừa bảo đảm cho việc giao kết vừa bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng (có thể được ghi ngay vào hợp đồng mua bán nhà ở nhưng phải phân biệt đặt cọc là một giao dịch bảo đảm thực hiện hợp đồng chứ không phải là một nội dung của hợp đồng).

· Giải quyết về giao dịch đặt cọc phải theo quy định về đặt cọc của BLDS , các điều 37, 38 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại mục 1 phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP.

4. Giải quyết một số tranh chấp về nhà đất có người Việt Nam định cư ở nước ngoài

VBQPPL:

- Luật Nhà ở (khoản 2, 3 Điều 7, Điều 8, Điều 159, Điều 160, Điều 161)

- Án lệ số 02/2016/AL

4.1. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Theo quy định của pháp luật thì đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam càng ngày càng được mở rộng; theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Nhà ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở.

· Các chủ thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói trên, nếu thời điểm khi họ gửi tiền về để mua nhà ở và nhờ người khác đứng tên hộ thì họ chưa thuộc diện sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng khi tranh chấp xảy ra họ đã thuộc diện có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì khi giải quyết việc tranh chấp giữa họ với người đứng tên mua nhà hộ cho họ, Tòa án cần công nhận cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện nói trên được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà họ đã mua và nhờ người khác đứng tên hộ.

4.2. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, đã gửi tiền về nhờ bạn bè, người thân mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở và nhờ họ đứng tên hộ trong hợp đồng mua bán nhà và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, thì khi tranh chấp giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với người đứng tên hộ trong giấy tờ nhà đất cần giải quyết như sau:

- Công nhận cho người Việt Nam đang ở trong nước (đứng tên hộ) được sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;

- Phải định giá quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Đồng thời buộc họ phải thanh toán cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài bằng đúng số tiền (vàng) đã bỏ ra để mua nhà đất;

- Trường hợp giá trị nhà và quyền sử dụng đất tại thời điểm định giá để xét xử cao hơn giá lúc mua thì số tiền (vàng) chênh lệch được chia đôi mỗi bên được nhận ½;

- Trường hợp giá trị nhà và quyền sử dụng đất tại thời điểm định giá để xét xử thấp hơn giá lúc mua, thì người đứng tên hộ được sở hữu nhà đất chỉ phải hoàn lại cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài số tiền (vàng) đúng giá trị theo định giá tại thời điểm xét xử;

- Trường hợp người đứng tên hộ không đồng ý nhận nhà hoặc không đủ điều kiện trả tiền (vàng) mua nhà cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài để sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì Tòa án tuyên phát mãi căn nhà và đất đó;

- Trường hợp giá trị nhà và quyền sử dụng đất tại thời điểm phát mãi thi hành án cao hơn giá lúc mua thì trả cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài bằng đúng số tiền (vàng) đã bỏ ra để mua nhà đất, còn số tiền (vàng) chênh lệch được chia đôi mỗi bên được nhận ½;

- Trường hợp giá trị nhà và quyền sử dụng đất tại thời điểm phát mãi thi hành án thấp hơn giá lúc mua thì chỉ phải hoàn lại cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài số tiền (vàng) đúng giá trị phát mãi thi hành án.

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 090.360.1234

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G