GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TRANH CHẤP VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI

1. Xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án

- Nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án kinh doanh, thương mại

VBQPPL:

- BLTTDS (Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; khoản 1 và 3 Điều 36; các điểm a, c khoản 1, khoản 2 Điều 37; khoản 3 Điều 38; khoản 1, các điểm d, đ, e, o, u, y khoản 2, khoản 3 Điều 39; các điểm a, b, c, g, h, i khoản 1 Điều 40; Điều 41; Điều 184; Điều 186; các điều từ Điều 188 đến Điều 196 và các điều 217, 218)

- BLDS

- Luật thương mại

- Luật DN

- Luật TTTM

- Nghị định số 98/2018/NĐ-CP

- Nghị định số 63/2011/NĐ-CP và Nghị định số 124/2018/NĐ-CP

- Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP

- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP

- Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP

- Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Khi nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện (hợp đồng kinh tế) để xác định trong vụ tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Nếu có căn cứ cho thấy trong vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài thì Toà án căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS và Điều 6 Luật TTTM để trả lại đơn kiện cho người khởi kiện.

· Trường hợp sau khi thụ lý vụ án Toà án mới phát hiện được trong vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài thì Toà án căn cứ vào điểm đ khoản 1, khoản 2 Điều 192, điểm g khoản 1, khoản 3 Điều 217 và Điều 218 BLTTDS và Điều 6 Luật TTTM ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện cho đương sự.

· Thẩm quyền của TAND các cấp:

- TAND cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại được quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS;

- TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 30, khoản 3 Điều 35 và khoản 2 Điều 37 BLTTDS, trừ những tranh chấp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải xem xét, xác định tranh chấp thuộc loại tranh chấp cụ thể nào để áp dụng đúng luật chuyên ngành điều chỉnh loại quan hệ pháp luật đó.

2. Giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại cụ thể

2.1. Giải quyết các tranh chấp về mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua

VBQPPL:

- BLTTDS

- BLDS

- Luật Thương mại

- Nghị định số 187/2013/NĐ-CP

- Nghị định số 39/2014/NĐ-CP

- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP

- Án lệ số 09/2016/AL

- Án lệ số 21/2018/AL

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Khi giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, Thẩm phán cần xác định tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết được quy định tại Điều 30 BLTTDS để áp dụng những quy định tương ứng của Luật Thương mại điều chỉnh. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của BLDS. Cụ thể:

· Mua bán hàng hóa (từ Điều 24 đến Điều 73 Luật Thương mại; từ Điều 3 đến Điều 14 của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP);

· Cung ứng dịch vụ (từ Điều 74 đến Điều 87 Luật Thương mại);

· Đại diện, đại lý (từ Điều 141 đến Điều 149 và từ Điều 166 đến Điều 177 Luật Thương mại; từ Điều 20 đến Điều 27 của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP);

· Thuê, cho thuê, thuê mua (từ Điều 269 đến Điều 283 Luật Thương mại);

· Về hợp đồng vô hiệu thì căn cứ vào Điều 117 và từ Điều 122 đến Điều 133 của BLDS ;

· Giải quyết quan hệ tranh chấp thuê, cho thuê, thuê mua, Thẩm phán cần lưu ý:

- Đối với quan hệ hợp đồng “cho thuê tài chính”: Cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính giữa bên cho thuê tài chính với bên thuê tài chính. Bên cho thuê tài chính cam kết mua tài sản cho thuê tài chính theo yêu cầu của bên thuê tài chính và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê tài chính trong suốt thời hạn cho thuê. Bên thuê tài chính sử dụng tài sản thuê tài chính và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng. Tài sản cho thuê tài chính là máy móc, thiết bị hoặc tài sản khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Áp dụng Nghị định số 39/2014/NĐ-CP và Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản để giải quyết.

· Khi áp dụng các chế tài thương mại, Thẩm phán cần chú ý quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại (Điều 307 Luật Thương mại). Cụ thể:

- Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại;

- Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

· Bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả (Điều 306 Luật Thương mại; Án lệ số 09/2016/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa, Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).

- Bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản (Điều 293 Luật Thương mại).

- Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng (khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại).

2.2. Giải quyết tranh chấp về vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường biển

VBQPPL:

- BLTTDS (khoản 1 Điều 30 và Điều 470)

- BLDS

- BLHHVN (từ Điều 145 đến Điều 198)

- Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển

- Nghị định số 169/2016/NĐ-CP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

Một số khái niệm, nội dung Thẩm phán cần nắm vững khi giải quyết tranh chấp về vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường đường biển:

· Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển là hợp đồng được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu tiền cước vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hoá từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.

· Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển bao gồm:

- Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển (từ Điều 170 đến Điều 174 BLHHVN);

- Hợp đồng vận chuyển theo chuyến (từ Điều 175 đến Điều 195 BLHHVN).

· Chứng từ vận chuyển bao gồm: Vận đơn, vận đơn suốt đường biển, giấy gửi hàng đường biển và chứng từ vận chuyển khác (Điều 148 BLHHVN).

· Vận đơn có ba chức năng:

- Là bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng;

- Là bằng chứng về sở hữu hàng hoá dùng để định đoạt, nhận hàng;

- Là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.

· Vận đơn có thể được ký phát dưới các dạng sau đây:

- Ghi rõ tên người nhận hàng, gọi là vận đơn đích danh;

- Ghi rõ tên người giao hàng hoặc tên những người do người giao hàng chỉ định phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn theo lệnh;

- Không ghi rõ tên người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn vô danh.

· Chuyển nhượng vận đơn:

- Vận đơn theo lệnh được chuyển nhượng bằng cách ký hậu vận đơn. Người ký hậu cuối cùng có quyền phát lệnh trả hàng trong vận đơn theo lệnh là người nhận hàng hợp pháp;

- Vận đơn vô danh được chuyển nhượng bằng cách người vận chuyển trao vận đơn vô danh đó cho người được chuyển nhượng. Người xuất trình vận đơn vô danh là người nhận hàng hợp pháp;

- Vận đơn đích danh không được chuyển nhượng. Người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp.

· Vận đơn suốt đường biển là vận đơn ghi rõ việc vận chuyển hàng hoá được ít nhất hai người vận chuyển bằng đường biển thực hiện.

· Giấy gửi hàng đường biển:

- Là bằng chứng về việc hàng hoá được nhận như được ghi trong giấy gửi hàng đường biển;

- Là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển; và

- Không được chuyển nhượng.

· Chứng từ vận chuyển khác là chứng từ do người vận chuyển và người thuê vận chuyển thoả thuận về nội dung, giá trị.

· Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày tàu biển đến cảng trả hàng, nếu không có người nhận số hàng gửi hoặc người nhận hàng không thanh toán hết các khoản nợ hoặc không đưa ra bảo đảm cần thiết thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá số hàng đó để trừ nợ; nếu là hàng hoá mau hỏng hoặc việc gửi là quá tốn kém so với giá trị thực tế của hàng hoá thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá hàng hóa trước thời hạn đó (khoản 4 Điều 167 BLHHVN).

· Việc xử lý hàng hoá do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 167 BLHHVN và Nghị định số 169/2016/NĐ-CP.

· Khi nhận hàng, người nhận hàng phải thanh toán cho người vận chuyển cước vận chuyển và các chi phí khác được ghi trong chứng từ vận chuyển, nếu các khoản tiền đó chưa được thanh toán trước. Người vận chuyển có quyền từ chối trả hàng và có quyền lưu giữ hàng, nếu người gửi hàng và người nhận hàng chưa thanh toán đủ các khoản nợ hoặc người vận chuyển chưa nhận được sự bảo đảm thoả đáng (Điều 157 BLHHVN).

· Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hoá vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 169 BLHHVN).

· Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 02 năm, kể từ ngày người khiếu nại biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm (Điều 195 BLHHVN).

· Hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý bằng đường biển (từ Điều 200 đến Điều 214 BLHHVN).

· Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường tổn thất do hành khách chết, bị thương hoặc tổn hại khác về sức khoẻ và mất mát, hư hỏng hành lý là 02 năm (Điều 214 BLHHVN).

· Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về TAND cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 35 và khoản 2 Điều 37 BLTTDS.

· Thẩm phán cần lưu ý: Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển có yếu tố nước ngoài mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Toà án Việt Nam (điểm c khoản 1 Điều 470 BLTTDS).

· Việc bắt giữ tàu biển được thực hiện theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 (xem Phần thứ sáu - Giải quyết yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển của Sổ tay Thẩm phán).

2.3. Giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng

VBQPPL:

- BLTTDS (khoản 1 Điều 30; Điều 35; các khoản 1 và 3 Điều 36; Điều 37; khoản 3 Điều 38; các điều từ Điều 39 đến Điều 42)

- BLDS (từ Điều 292 đến Điều 384; Điều 468)

- Luật NHNNVN

- Luật CTCTD

- Luật DN (Điều 67, Điều 86 và Điều 167)

- Nghị quyết số 42/2017/QH14

- Nghị định số 05/2012/NĐ-CP (Điều 1 Nghị định số 05/2012/NĐ-CP này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 102/2017/NĐ-CP)

- Nghị định số 39/2014/NĐ-CP

- Nghị định số 102/2017/NĐ-CP

- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP

- Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP

- Nghị định số 21/2021/NĐ-CP

- Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP

- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP

- Thông tư số 05/2011/TT-BTP và Thông tư số 08/2014/TT-BTP

- Thông tư số 07/2015/TT-NHNN

- Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

- Án lệ số 08/2016/AL

- Án lệ số 11/2017/AL

- Án lệ số 36/2020/AL

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Hợp đồng tín dụng phải có nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng tiền vay, hình thức vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thỏa thuận. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường (khoản 1 Điều 4 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN). Tổ chức tín dụng có quyền xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay, bảo lãnh của bên thứ ba và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tổ chức tín dụng không được cho vay trên cơ sở cầm cố bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng cho vay.

· Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay.

· Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS tại thời điểm trả nợ.

· Quy định về lãi suất trên đây của Điều 468 BLDS chỉ áp dụng cho trường hợp vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng. Đối với trường hợp vay tiền theo hợp đồng tín dụng thì lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định tại Điều 91 Luật CTCTD và Điều 7, Điều 8, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (“Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; c) Phục vụ kinh doanh của DN nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa; d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; đ) Phục vụ kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao”);

- Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó;

- Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a trên đây thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn;

- Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

· Việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP.

· Việc xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP.

· Việc điều chỉnh lãi, lãi suất được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP.

· Thẩm quyền giải quyết: TAND cấp huyện giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS.

· Lưu ý:

Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, trong bản án, quyết định của Toà án phải tuyên rõ tổng số nợ của cá nhân, tổ chức phải trả cho tổ chức tín dụng là bao nhiêu, trong đó nợ gốc phải trả là bao nhiêu, lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn (nếu có) tính đến ngày xét xử sơ thẩm là bao nhiêu. Kể từ ngày tiếp theo ngày Tòa án xét xử sơ thẩm, bên phải thi hành án còn phải chịu lãi suất nợ quá hạn theo mức lãi các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng trên số dư nợ gốc cho đến khi trả hết nợ gốc.

2.4. Giải quyết tranh chấp về mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác

VBQPPL:

- BLTTDS

- BLDS

- Luật CCCCN

- Luật Thương mại

- Luật NHNNVN

- Luật CTCTD

- Luật DN

- Luật Chứng khoán

- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP

- Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành (khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán).

· Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó (khoản 1 Điều 121 Luật DN).

· Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành (khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán).

· Trái phiếu DN là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do DN phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của DN đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu (khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP).

· Cổ phần, trái phiếu của công ty cổ phần có thể được mua bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty và phải được thanh toán đủ một lần (Điều 131 Luật DN).

· Công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.

· Giấy tờ có giá bao gồm:

- Hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng. Hối phiếu đòi nợ có các nội dung theo quy định Điều 16 Luật CCCCN.

- Hối phiếu nhận nợ là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng; hối phiếu nhận nợ có các nội dung theo quy định Điều 53 Luật CCCCN.

- Các công cụ chuyển nhượng khác.

· Hoạt động chào bán chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) ra công chúng, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán.

· Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải tuân thủ Luật Chứng khoán.

· Nguyên tắc hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (Điều 5 Luật Chứng khoán): Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.

- Công bằng, công khai, minh bạch;

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư;

- Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.

· Thời hiệu khởi kiện đối với giấy tờ có giá (công cụ chuyển nhượng) như sau:

- Người thụ hưởng có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người bảo lãnh, người chuyển nhượng, người chấp nhận yêu cầu thanh toán số tiền được thanh toán trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán (khoản 1 Điều 78 Luật CCCCN);

- Người có liên quan bị khởi kiện có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng trước mình, người bảo lãnh, người chấp nhận về số tiền được thanh toán trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán công cụ chuyển nhượng (khoản 2 Điều 78 Luật CCCCN)

· Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác thuộc TAND cấp huyện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS.

· Khi giải quyết tranh chấp về mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác, Thẩm phán cần lưu ý việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác có thể được tiến hành giữa cá nhân với cá nhân không có đăng ký kinh doanh và tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế TAND cấp tỉnh.

2.5. Giải quyết tranh chấp về bảo hiểm

VBQPPL:

- BLTTDS

- BLDS

- BLHHVN

- Luật KDBH

- Luật DN

- Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và Nghị định số 80/2019/NĐ-CP

- Quyết định số 305-TC/BH

- Quyết định số 09/QĐ-TCBH

- Án lệ số 37/2020/AL

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm (khoản 2 Điều 4 Luật KDBH).

· Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng (khoản 16 Điều 4 Luật KDBH).

· Các loại hợp đồng bảo hiểm (Điều 15 Luật KDBH):

- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

- Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

- Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

· Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của BLHHVN. Đối với những nội dung mà BLHHVN không quy định thì áp dụng Luật KDBH (khoản 3 Điều 15 Luật KDBH).

· Nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật KDBH thì thực hiện theo quy định của BLDS (khoản 3 Điều 15 Luật KDBH).

· Hợp đồng bảo hiểm phải lập thành văn bản và có những nội dung quy định tại Điều 17 Luật KDBH.

· Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

· Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng DN bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

· Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại DN bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam.

· Hợp đồng bảo hiểm được giao kết giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với DN bảo hiểm không được phép hoạt động tại Việt Nam bị coi là vô hiệu.

· Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 BLDS ).

· Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm: TAND cấp huyện giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS.

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 090.360.1234

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G