Hành vi giả mạo cán bộ chiếm đoạt tài sản bị xử lý như nào?

Hành vi giả mạo cán bộ chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

  b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

  c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

  d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  a) Có tổ chức;

  b) Có tính chất chuyên nghiệp;

  c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

  d) Tái phạm nguy hiểm;

  đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

  e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

  g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

   a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

  b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

  c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

  a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

 c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi liên quan đến giá trị tài sản bị chiếm đoạt, đến hậu quả từ hành vi chiếm đoạt và tính chất nghiêm trọng của hành vi chiếm đoạt trên thực tế mức phạt cao nhất của tội này có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người phạm tội phải dùng thủ đoạn gian dối và đã chiếm đoạt được tài sản. Việc chiếm đoạt được tài sản phải có sau khi dùng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt được là bằng thủ đoạn gian dối. 

Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

Ngoài ra, nếu giá trị tài sản chiếm đoạt được nhỏ hơn so với mức thấp nhất quy định tại Bộ luật Hình sự thì người phạm tội sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về Hành vi giả mạo cán bộ chiếm đoạt tài sản. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng, chính xác nhất.

---

Công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Võ Thị Sáu, Q. 3, TP.HCM

Hotline: 0912 772 008 

Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G