Người thế nào được coi là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi?
Hỏi: Điều 21 BLTTDS 2015 quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án có đương sự là “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi...”. Vậy người thế nào được coi là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi? Thủ tục nào để xác định họ thuộc trường hợp nêu trên? Trường hợp chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Viện kiểm sát có tham gia phiên tòa không?
Trả lời:
(1). Khoản 1 Điều 23 BLDS 2015 quy định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự”. Theo quy định trên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại một thời điểm nhất định do tình trạng thể chất hoặc tinh thần của họ nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 22 BLDS 2015
Ví dụ: Một người do tai nạn mà bị tổn thương thần kinh, dẫn đến ảnh hưởng khả năng nhận thức, làm chủ hành vi trong khoảng thời gian chữa bệnh, sau đó người này hồi phục; hoặc không thể hồi phục hoàn toàn nên có lúc nhận thức, làm chủ được hành vi, có lúc không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
(2). Để xác định một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, khoản 1 Điều 23 BLDS 2015 quy định: Theo yêu cầu của chính người đó, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Thủ tục Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Chương XXIV BLTTDS 2015 (từ Điều 376 đến Điều 380).
(3). Một người chỉ bị coi là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi đã có quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do vậy, trường hợp chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì không thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm.
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Phố Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, Số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 090.360.1234