Phúc thẩm là gì? Quy định của pháp luật về xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

1.Phúc thẩm là gì?

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, các cơ quan tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã quy định về thẩm quyền, tính chất của xét xử phúc thẩm, tại Điều 270 BLTTDS 2015 đã quy định:

“Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.”

Phúc thẩm được áp dụng đối với các vụ án dân sự, hình sự, lao động, kinh tế, hành chính. Phúc thẩm là một hoạt động tố tụng, trong đó Toà án cấp trên tiến hành kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cự của bản án, quyết định do Toà án cấp sơ thẩm xử mà bị kháng cáo, kháng nghị, kiểm tra tính hợp pháp là kiểm tra việc áp dụng pháp luật của toà sơ thẩm khi ra bản án, quyết định đó, bao gồm cả pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng; kiểm tra tính có căn cứ của bản án, quyết định là kiểm tra những chứng cứ đã thu thập được có phù hợp với thực tế không, kết luận của bản án/quyết định có phù hợp với hồ sơ vụ án hay không.

- Như vậy, thủ tục phúc thẩm là một trong các giai đoạn của tố tụng dân sự. Thủ tục phúc thẩm được tiến hành sau thủ tục sơ thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị. Điều này nhằm đảm bảo tính thận trọng cho các phán quyết nhân danh Nhà nước.

=> Xem thêm: Hướng dẫn khởi kiện vụ án dân sự

2. Quy định của pháp luật về xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

2.1. Thụ lý vụ án dân sự để xét xử phúc thẩm

Theo Điều 285 BLTTDS 2015, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kềm theo, tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lí. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lí vụ án, tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và viện kiểm sát cùng cấp về việc tòa án đã thụ lí vụ án và thông báo trên cổng thông tin điện tử của tòa án (nếu có).

Chánh án tòa án cấp phúc thẩm thành lập hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.

2.2. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 286 BLTTDS 2015, trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thụ lí vụ án, tuỳ từng trường hợp, tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

   • Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

   • Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

   • Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì chánh án tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không được quá 01 tháng.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lí do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Các quy định về thời hạn xét xử này không áp dụng đối với vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài.

2.3. Cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Điều 287 BLTTDS 2015 quy định, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ tài liệu sau: tài liệu, chứng cứ mà tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lí do chính đáng; tài liệu, chứng cứ mà tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Thủ tục giao nộp tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Điều 96 BLTTDS 2015.

2.4. Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì hậu quả của việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm và việc tiếp tục xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 214, 215 và 216 của BLTTDS 2015.

Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.

2.5. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án

Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp sau đây:

   • Các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này

   • Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị

  • Người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị

   • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.

2.6. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:

   • Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 220 của Bộ luật này

   • Họ, tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ, tên Thẩm phán dự khuyết (nếu có)

   • Họ, tên, tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo

   • Viện kiểm sát kháng nghị (nếu có)

   • Họ, tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; họ, tên Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có)

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Nếu bạn có vướng mắc liên quan đến vấn đề này, cần tham khảo kỹ quy định của pháp luật hoặc liên hệ đến luật sư tư vấn tại Công ty Luật ANP theo số Hotline: 0912 772 008 để được giải đáp. 

=> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục khởi kiện vụ án Hành chính

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G