Các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt tù

Khi một chủ thể thực hiện hành vi phạm tội và bị kết án thì phải chấp hành hình phạt tương ứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ thể đó có thể được miễn chấp hành hình phạt, kể cả hình phạt tù. Vậy điều kiện được miễn chấp hành hình phạt tù là gì?

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Hình sự 2015;

- Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP;

- Văn bản pháp luật liên quan khác.

2. Miễn chấp hành hình phạt tù

Theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015, chủ thể bị kết án đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa chấp hành hoặc đã chấp hành được một phần hình phạt tù khi đáp ứng điều kiện mà pháp luật quy định có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn chấp hành hình phạt tù.

Đối tượng bị kết án có thể là cá nhân người phạm tội và pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, chỉ có cá nhân mới được miễn chấp hành hình phạt tù.

3. Các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt tù

Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt tù khi thuộc một trong những trường hợp sau:

►  Được đặc xá hoặc đại xá

Đây là trường hợp miễn chấp hành hình phạt tù khá đặc biệt.

Trong đó, đặc xá là việc Chủ tịch nước xem xét và chấp nhận đơn cho miễn chấp hành hình phạt tù đối với đối tượng có đơn xin miễn chấp hành hình phạt tù. Đại xá là việc Quốc hội xem xét tình hình, diễn biến của chính trị, xã hội trong từng thời kỳ mà quyết định đại xá cho một loại tội phạm nhất định. Khi đó, dù đang trong bất kì giai đoạn tố tụng nào thì người có hành vi phạm tội sẽ được trả tự do, khôi phục quyền công dân và mặc nhiên được coi là không có tội.

Trong những năm gần đây, việc đại xá gần như càng hiếm mà chủ yếu chỉ có đặc xá đối với đối tượng nhất định.

► Người bị kết án và chưa chấp hành hình phạt đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Đồng thời người đó phải không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Trong đó, lập công lớn là khi người bị kết án có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp người bị kết án đang mắc những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị như ung thư, AIDS,... theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.

Việc xem xét tính chất nguy hiểm cho xã hội thể hiện qua việc người phạm tội đã hoàn lương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chăm chỉ làm ăn,... hoặc do mắc bệnh hiểm nghèo, không đủ sức khỏe để hoạt động,...

Lưu ý:

Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm và chưa chấp hành hình phạt thì chỉ cần đáp ứng một trong ba điều kiện trên vẫn có thể được xem xét miễn chấp hành hình phạt tù.

Miễn chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Điều 62. Miễn chấp hành hình phạt

1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị kết án đã lập công;

b) Mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nêu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nêu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt tù. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.

----------

Công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Tầng 1 số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

SĐT: 0912 772 008 

Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

[Xem thêm: =>> Luật sư bào chữa án hình sự]

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G