Tội bắt, giữ người trái quy định pháp luật

Quyền tự do thân thể là một trong những quyền con người cơ bản được pháp luật bảo vệ. Do đó, các hành vi xâm phạm quyền này (ví dụ: hành vi bắt, giữ người trái pháp luật) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy, khi nào cấu thành tội bắt, giữ người trái quy định pháp luật?

1. Căn cứ pháp luật

– Bộ luật Hình sự 2015;

– Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;

– Văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Tội bắt giữ người trái pháp luật

Bắt, giữ người khác là các hành vi hạn chế quyền tự do con người. Các hành vi bắt, giữ người khác phải tuân thủ các quy định pháp luật. Trường hợp vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 157 Bộ luật hình sự 2015.

“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Theo đó, tội bắt, giữ người trái pháp luật có các yếu tố cấu thành sau:

► Mặt khách quan:

– Đối với hành vi bắt người trái pháp luật: Được thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam bằng vũ lực hoặc các biện pháp khác như trói, làm nạn nhân hôn mê,… mà không có lệnh của chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc tuy có lệnh của chủ thể có thẩm quyền nhưng việc tiến hành bắt không đúng.

– Đối với hành vi giữ người trái pháp luật:

Người thực hiện hành vi này có các hành vi nhằm kiểm soát, khống chế người người khác không được vượt quá một khoảng không gian nhất định.

► Khách thể:

Khách thể tội phạm này là quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ.

Do đó, việc bắt, giữ người chỉ được thực hiện khi có quyết định của chủ thể có thẩm quyền ( ví dụ: quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân), trừ trường hợp phạm tội quả tang và phải tuân thủ trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Mọi hành vi không tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện bắt, giữ người đều được xem là hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể.

► Yếu tố lỗi:

Người có hành vi bắt, giữ người trái pháp luật phạm tội với lỗi cố ý.

Trường hợp bắt, giữ người trái pháp luật do trình độ nghiệp vụ yếu, thiếu trách nhiệm thì người có hành vi đó không phạm lỗi cố ý và không cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật.

► Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật theo khoản 3 Điều 157 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, vì vậy, người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm;

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”

3. Khi nào cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật

Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tôi bắt, giữ người trái pháp luật là người có hành vi phạm tội và phải đảm bảo cả 04 yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên.

Trong đó, tội phạm được xem là hoàn thành khi người có hành vi phạm tội thực hiện các hành vi nhằm bắt, giữ người trái pháp luật, bất kể việc bắt, giữ đó có hoàn thành hay không.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng, chính xác nhất.

---

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- SĐT: 0912 772 008 - 0912 660 002

- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

=> Có thể bạn quan tâm: LUẬT SƯ BÀO CHỮA HÌNH SỰ 

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G