Thủ tục tái thẩm trong vụ án hình sự

Tái thẩm là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Thủ tục tái thẩm được thực hiện khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 398 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;

2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;

3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hạn chế hơn so với thủ tục giám đốc thẩm, cụ thể chỉ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới. Trong khi ở thủ tục giám đốc thẩm, các Chánh án cũng có quyền kháng nghị.

Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành có quy định rõ ràng về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, theo đó Viện trưởng viện kiểm sát chỉ được kháng nghị tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện. Trường hợp tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian. Thậm chí ngay cả khi người bị kết án đã chết thì việc kháng nghị vẫn được thực hiện nếu xét thầy cần thiết để cần minh oan cho họ.

Bước 1: Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện

Người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện ra tình tiết mới của vụ án có quyền thông báo và cung cấp các tài liệu liên quan để yêu cầu Viện kiểm sát kháng nghị tái thẩm. Khi nhận được thông báo hoặc tự mình phát hiện ra các tình tiết mới, Viện kiểm sát phải xác minh những tình tiết này. Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh tình tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát.

Bước 2: Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị

Khi xét thấy tình tiết mới phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền ra Quyết định kháng nghị tái thẩm. Quyết định này phải được gửi cho Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.

Bước 3: Gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền

Tòa án xem xét kháng nghị yêu cầu Tòa án đang lưu giữ, quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án đang quản lý phải chuyển hồ sơ cho Tòa án đã yêu cầu.

Bước 4: Chuẩn bị phiên tòa tái thẩm

Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán là thành viên Hội đồng tái thẩm làm bản thuyết trình về vụ án. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Trong vòng 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm, bản thuyết trình này và các tài liệu có liên quan phải gửi được đến các thành viên Hội đồng tái thẩm.

Bước 5: Mở phiên tòa tái thẩm

Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền tái thẩm phải mở phiên tòa.

Phiên tòa tái thẩm được tiến hành theo trình tự: Khai mạc phiên tòa, Trình bày bản thuyết trình về vụ án, thủ tục hỏi, thủ tục tranh tụng, thảo luận và biểu quyết. Cụ thể:

– Chủ tọa tiến hành khai mạc phiên tòa

– Một thành viên của Hội đồng tái thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng tái thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.

– Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng tái thẩm yêu cầu. Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

– Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa tái thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

– Các thành viên Hội đồng tái thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng tái thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án. Dựa trên thẩm quyền quy định tại Điều 402 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng tái thẩm xem xét ra một trong số các quyết định sau:

  + Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

  + Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

  + Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.

Trên đây là những thông tin tư vấn Thủ tục tái thẩm trong vụ án hình s công ty Luật ANP cung cấp thông tin, để biết thông tin chi tiết vui lòng liên hệ Luật sư của chúng tôi:

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 0912 772 008 

- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G