Thời hạn điều tra vụ án và quyết định truy nã
Để tránh tình trạng cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án dẫn đến hệ quả tồn động án, pháp luật đã có các quy định cụ thể về thời hạn điều tra vụ án.
I. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỜI HẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ
1. Khái niệm thời hạn điều tra
Thời hạn điều tra là một khoảng thời gian do pháp luật quy định để cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra để xác định tội phạm, người phạm tội và các tình tiết khác của vụ án. Thời hạn điều tra được tính từ ngày khởi tố vụ án cho đến ngày kết thúc điều tra.
2. Căn cứ để xác định thời hạn điều tra
- Loại tội phạm: Dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tội phạm được phân thành bốn nhóm gồm:
→ Tội phạm ít nghiêm trọng (Mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm);
→ Tội phạm nghiêm trọng (Mức cao nhất của khung hình phạt từ 03 năm tù đến 07 năm tù);
→Tội phạm rất nghiêm trọng (Mức cao nhất của khung hình phạt từ 07 năm tù đến 15 năm tù);
→ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Mức cao nhất của khung hình phạt từ 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).
Tùy vào mỗi loại tội phạm, pháp luật tố tụng hình sự quy định một thời hạn điều tra khác nhau, tội phạm càng nghiêm trọng thì thời hạn điều tra càng dài.
- Tính chất phức tạp của vụ án: Để đánh giá vụ án có tính chất phức tạp có thể căn cứ tiêu chí được đưa ra trong Thông tư số 09/2018/TT-BTP, cụ thể: Vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau hoặc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều ý kiến khác nhau hoặc vụ việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu vụ án có một trong số các tiêu chí trên thì có thể được xác định là vụ án có tính chất phức tạp và được gia hạn thời gian điều tra.
3. Quy định pháp luật về thời hạn điều tra
Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Thời hạn này có thể được gia hạn nếu vụ án có tính chất phức tạp. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn một lần không quá 02 tháng; Tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; Tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Như vậy, thời hạn điều tra tối đa với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 04 tháng, tội phạm nghiêm trọng là không quá 8 tháng, tội phạm rất nghiêm trọng là không quá 12 tháng và tội đặc biệt nghiêm trọng là không quá 20 tháng.
Để được gia hạn điều tra, chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, khi thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do vụ án có tính chất rất phức tạp khiến việc điều tra chưa thể kết thúc, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn điều tra thêm một lần không quá 04 tháng.
Trường hợp đặc thù áp dụng với tội xâm phạm an ninh quốc gia, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn điều tra thêm một lần không quá 04 tháng.
II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TRUY NÃ
1. Đối tượng truy nã:
Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.
Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.
Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
2. Cơ sở để ra quyết định truy nã:
Căn cứ theo Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC, trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu; Người đang bị tạm giữ hoặc đang bị tạm giam mà trốn nhà tạm giữ, trại tạm giam; Người bị kết án mà bỏ trốn; Người đang chấp hành án mà bỏ trốn thì cơ quan có thẩm quyền được phép ra Quyết định truy nã.
Việc ra quyết định truy nã chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đủ căn cứ xác định đối tượng đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;
- Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.
Trên đây là bài viết với nội dung Thời hạn điều tra vụ án hình sự và quyết định truy nã. Nếu cần hỗ trợ pháp lý về lĩnh vực hình sự, Quý khách vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- SĐT: 0912 772 008
- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com