Phân biệt tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người

Tội giết người và tội cố ý gây thương tích đều nằm trong nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người quy định tại Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS). Về cơ bản, hành vi khách quan của hai tội phạm này tương đối giống nhau, dẫn đến việc xác định tội phạm trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

Bài viết này của Công ty Luật TNHH ANP xin phân tích một số tiêu chí để phân biệt tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

1. Mục đích phạm tội

- Tội giết người: Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

- Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây thương tích, tổn thương cơ thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý chí chủ quan của họ.

2. Yếu tố lỗi

- Tội giết người: Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính chất nguy hiểm, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý trực tiếp.

Trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý gián tiếp.

- Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

3. Vị trí tác động lên cơ thể nạn nhân

- Tội giết người: Khi người phạm tội nhằm vào các vị trí trọng yếu trên cơ thể nạn nhân như: vùng đầu, vùng cổ, ngực, bụng,… để tấn công thì có cơ sở để xác định người phạm tội có ý chí giết người.

- Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Người phạm tội tấn công vào các vị trí không gây nguy hiểm đến tính mạng như: tay, chân, vai,…

4. Mức độ, cường độ thực hiện hành vi

- Tội giết người: Tấn công nhanh, cường độ mạnh, có thể thực hiện dồn dập, liên tục nhằm mục đích thực hiện tội phạm đến cùng, có ý thức để hậu quả chết người xảy ra.

- Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục với cường độ tấn công nhẹ hơn.

5. Vũ khí, hung khí gây án và các tác nhân khác

- Tội giết người: Người phạm tội thường sử dụng vũ khí (súng, dao găm, kiếm, mác, mã tấu,…), hung khí nguy hiểm (Búa, thanh sắt, côn, gạch đá, đoạn gậy cứng,…)

- Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Không sử dụng vũ khí hoặc sử dụng vũ khí không mang tính sát thương cao. Người phạm tội cũng có thể sử dụng các loại vũ khí, hung khí nguy hiểm tương tự như tội giết người nhưng lúc này ta sẽ kết hợp với các yếu tố khác như: vị trí tấn công, mức độ, cường độ tấn công và ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi để xác định tội danh chính xác.

Căn cứ theo Bộ luật hình sự hiện hành, hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm theo điểm a khoản 4 Điều 134. Trong khi đó, với tội giết người, khung hình phạt sẽ là 07 năm đến 15 năm, với các trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung thuộc khoản 1 Điều 123 BLHS, mức hình phạt mà người phạm tội phải đối mạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điểm đặc biệt của tội giết người, người chuẩn bị phạm tội cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trong khi đó tội cố ý gây thương tích lại không xác định trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Có thể thấy, khung hình phạt đối với tội giết người nặng hơn rất nhiều so với tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người vì vậy việc xác định chính xác tội danh trong vụ án hình sự là rất quan trọng.

Trên thực tế, bản thân cơ quan tiến hành tố tụng cũng gặp nhiều lúng túng khi xác định tội danh giữa giết người và cố ý gây thương tích làm chết người. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, quý khách có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ các Luật sư giàu kinh nghiệm của Công ty Luật TNHH ANP.

---

Công ty Luật TNHH ANP:

- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

- Hotline: 0912 772 008 

- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G