Thủ tục khởi kiện vụ án hình sự

Nhiều người dân thường thắc mắc về thủ tục “khởi kiện vụ án hình sự” nhưng xét về mặt pháp lý, cụm từ “khởi kiện vụ án hình sự” không tồn tại trong quy định pháp luật tố tụng.

Để yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội, người dân có thể lựa chọn tố giác hoặc báo tin về tội phạm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể theo Điều 143, Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, công dân có thể đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo các phương thức sau:

1. Tố giác về tội phạm: Đây là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm: Thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Việc tố giác, tin báo về tội phạm có thể thực hiện trực tiếp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác.

Căn cứ Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm gồm có:

1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

a) Cơ quan điều tra;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

c) Viện kiểm sát các cấp;

d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

a) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.

Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của công dân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành hoạt động xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp đã xác định được vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định khởi tố vụ án và chuyển sang giai đoạn điều tra. Trong giai đoạn này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các nghiệp vụ cần thiết như :

- Hỏi cung bị can;

- Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng;

- Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật;

- Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra;

- Giám định và định giá tài sản.

Khi kết thúc điều tra cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm. Trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Sau khi Viện kiểm sát đã ra cáo trạng đề nghị truy tố bị can trước Tòa án. Căn cứ vào Hồ sơ vụ án, Tòa án tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo trong vụ án và đưa ra hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện.

Như vậy, khi cá nhân, tổ chức muốn tố giác, báo tin về tội phạm, yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết một hành vi phạm tội thì có thể lựa chọn tố giác hoặc tin báo về tội phạm để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cụm từ “khởi kiện vụ án hình sự” được sử dụng phổ biến cho thấy kiến thức về pháp luật của người dân chúng ta còn nhiều hạn chế. Việc có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ trong hoạt động thông tin về tội phạm, không biết phải thực hiện tố giác, báo tin tại cơ quan nào, không nắm rõ quy trình tố tụng, gây cản trở việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Đối với các trường hợp này, quý vị có thể tìm đến sự hỗ trợ pháp lý từ các luật sư giàu kinh nghiệm tại Công ty Luật TNHH ANP - Hotline (24/7): 0912.772.008.

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G