Tội cưỡng đoạt tài sản có quy trách nhiệm hình sự hay không?
1. HÀNH VI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN LÀ GÌ? CHẾ TÀI XỬ PHẠT
"Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc chủ thể đang có quyền đối với tài sản phải giao tài sản đó cho mình."
Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, không quan trọng giá trị tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu, người có hành vi cưỡng đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
"1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
……….
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
2. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CỦA HÀNH VI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Hành vi cưỡng đoạt tài sản có những dấu hiệu nhận biêt sau:
- Đe dọa dùng vũ lực là hành vi doạ sẽ xâm phạm đến thân thể, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Trong đó, người bị chiếm đoạt tài sản có thể là chủ sở hữu tài sản hoặc là chủ thể khác đang có các quyền đối với tài sản đó.
Việc đe doa dùng vũ lực không được thực hiện ngay tức khắc mà cho phép người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động.
Ví dụ: A nhờ B đi rút tiền hộ. Sau khi B rút tiền xong thì bị C cầm dao đe dọa nếu không đưa tiền thì sẽ giết. Vì lo sợ, B đã đưa tiền cho C.
Như vậy, C đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản từ B là người không phải chủ sở hữu tài sản nhưng là người đang có quyền chiếm hữu đối với tài sản.
- Hành vi uy hiếp tinh thần bằng thủ đoạn khác là hành vi đe dọa sẽ làm việc bất kì (không phải vũ lực) có hại cho người bị đe dọa về tài sản, danh dự, uy tín... nếu người bị uy hiếp không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội như đe doạ huỷ hoại tài sản, đe dọa tố giác hành vi phạm tội của người bị đe dọa
Ví dụ: A và B là vợ chồng. Tuy nhiên, A lại ngoại tình với người khác là C. Biết được điều này, D là em của A đã yêu cầu A phải đưa cho mình một số tiền, nếu không D sẽ nói chuyện này với B. Như vậy, D đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản của A.
3. HÌNH THỨC XỬ PHẠT HÀNH VI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Theo điều 170 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi cưỡng đoạt tài sản được xử lý theo các trường hợp phạm tội sau:
“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng, chính xác nhất.
Công ty Luật TNHH ANP:
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 0912 772 008
- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com