Phân biệt tội cưỡng đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội Cưỡng đoạt tài sản và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hai tội danh nằm trong Chương XVI - các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điểm chung của hai tội phạm này là đều xâm phạm đến quyền tài sản và nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.
1. Cưỡng đoạt tài sản
Điều 170 Bộ luật hình sự hiện hành quy định Tội Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đe doạ sẽ dùng vũ lực có thể được thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc.
Ngoài hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản. Tiêu biểu có thể nhắc đến trường hợp: Đe dọa hủy hoại tài sản, đe dọa tố cáo hành vi sai phạm hoặc bí mật đời tư, bịa đặt, vu khống về chủ sở hữu tài sản để người này giao tài sản cho mình,…
2. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự là việc chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thủ đoạn gian dối. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành động, bằng hình ảnh,… hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau. Đặc biệt, thủ đoạn gian dối phải phát sinh trước hành vi chiếm đoạt tài sản, đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
3. Phân biệt tội Cưỡng đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tiêu chí |
Cưỡng đoạt tài sản |
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Cơ sở PL |
Điều 170 BLHS năm 2015 |
Điều 174 BLHS năm 2015 |
Khách thể của tội phạm |
Quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền nhân thân của con người. |
Quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. |
Đối tượng tác động |
Tài sản và con người. |
Tài sản. |
Hành vi khách quan |
Hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản. |
Hành vi dùng các thông tin gian dối để khiến bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. |
Đặc điểm cấu trúc |
Tội phạm cấu thành hình thức, không yêu cầu phải có hậu quả xảy ra. Chỉ cần phát sinh hành vi khách quan là đủ cấu thành tội phạm |
Tội phạm cấu thành vật chất. Dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Cụ thể: Tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định. |
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự |
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản nếu thuộc khoản 3, khoản 4 Điều 170 BLHS tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. |
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề chiếm đoạt tài sản có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH ANP.
- VP Hà Nội: Tầng 5 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- VP Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 232 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
- Hotline: 0912 772 008
- Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com
=> XEM THÊM:
1. Tội cưỡng đoạt tài sản có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
2. Hướng dẫn thủ tục tố cáo và khởi kiện hành vi chiếm đoạt tài sản