Thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật được định nghĩa tại Điều 649 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

1. Điều kiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp:

- Không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau:

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

2. Đối tượng được hưởng thừa kế theo pháp luật

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Nguyên tắc được đặt ra là: những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

3. Trình tự thủ tục thừa kế theo pháp luật

Tùy vào việc có thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hay không mà phải thực hiện thủ tục với một trong hai loại văn bản, theo đó:

- Những người thừa kế theo pháp luật có quyền yêu cầu công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong đó, người thừa kế có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác;

- Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoăc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế

Cụ thể, thủ tục công chứng hai loại Văn bản này như sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng;

- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết

- Dự thảo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);

- Các giấy tờ nhân thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người thừa kế;

- Các giấy tờ về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, đăng ký xe ô tô…

Sau khi nộp đủ giấy tờ, hồ sơ, Công chứng viên sẽ xem xét, kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản Nếu đầy đủ thì sẽ tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Ngược lại nếu hồ sơ không đầy đủ thì người thừa kế sẽ được hướng dẫn và yêu cầu bổ sung. Nếu không có cơ sở giải quyết thì giải thích và từ chối tiếp nhận.

Bước 2: Niêm yết công khai

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng. Việc niêm yết phải được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản trong thời gian 15 ngày.

Bước 3: Ký công chứng và trả kết quả

Sau khi nhận được kết quả niêm yết không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng sẽ hướng dẫn người thừa kế ký Văn bản khai nhận di sản hoặc Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Sau đó, Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ, hồ sơ đã nêu ở trên để kiểm tra, đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản.

4. Phí phân chia di sản thừa kế

Khi hoàn tất hồ sơ, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng theo mức quy định và trả lại bản chính của Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế cho người thừa kế. Trong đó:

- Mức thu và cách tính phí công chứng được áp dụng chung trên cả nước theo Thông tư 257/2016/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư 111/2017/TT-BTC

- Mức thù lao công chứng do tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần thù lao công chứng do UBND cấp tỉnh ban hành.

Thông tin trên được tóm tắt do Luật sư phụ trách chuyên môn tại công ty luật ANP, quý khách nếu có thắc mắc về thủ tục thừa kế theo pháp luật hay yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật, vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH ANP theo Số điện thoại 0912 772 008 để được luật sư tư vấn nhanh chóng, chuyên nghiệp, chính xác nhất.

Thông tin liên hệ công ty Luật TNHH ANP:

VP Hà Nội: Phòng 903 Tòa N07, Trần Đăng Ninh, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

VP Hồ Chí Minh: Phòng 1103 Tòa nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

SĐT: 0912 772 008

Email: congtyluatanp.hcm@gmail.com

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G